Doanh nghiệp Việt nỗ lực củng cố vị thế “sân nhà”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dân số 100 triệu người, Việt Nam là thị trường hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Tuy nhiên, để củng cố vị thế trên "sân nhà", doanh nghiệp Việt vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ồ ạt nhãn hàng ngoại đổ bộ vào Việt Nam

Mới đây, Mixue - một thương hiệu chuyên kinh doanh các sản phẩm về kem tươi và đồ uống từ trà đến từ Trung Quốc thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Như vậy, sau 5 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (2018 - 2023) thông qua hình thức nhượng quyền, Mixue đã trở thành chuỗi đồ uống có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Tương tự, dù mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023, nhưng đến nay Tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng nhãn hiệu Bosch (Cộng hòa Liên bang Đức) đã mở rộng mạng lưới với hơn 1.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam, cùng các gian hàng 2 sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada.

Sản xuất đèn xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất đèn xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, những năm qua hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế như Chanel, Ferragamo, Burberry, Giovanni, Versace, Mango, Zara, H&M... đã hội tụ tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân 15 - 20%, Việt Nam đang được các hãng thời trang lớn trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân. Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini... cao cấp như CK, Mango, D&G, Gucci, Nautica…

Lý giải nguyên nhân khiến các thương hiệu nước ngoài ồ ạt đầu tư khai thác thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Nguyễn Hương Quỳnh cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á. Dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2023 - 2024 tăng trưởng 6,7 - 7,2%.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội tổ chức tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội tổ chức tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh đó Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn qua đó nâng cấp đời sống như du lịch, mua sắm quần áo mới, các sản phẩm công nghệ mới, sửa chữa nhà cửa… “Đây chính là những cơ hội để hàng hóa nhiều nước trên thế giới tiếp cận và ngày càng tăng hiện diện tại Việt Nam” - bà Nguyễn Hương Quỳnh khẳng định.

Nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, để đối phó với các thương hiệu nước ngoài đang ồ ạt đổ vào Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học công nghệ.

 

Thị trường nội địa với quy mô gần 5 tỷ USD đang được doanh nghiệp nội hướng đến bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng nhằm chinh phục thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang

 

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng sản xuất giữa doanh nghiệp với người nông dân, hộ sản xuất tới phân phối tới người tiêu dùng, qua đó bảo đảm chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm.

Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, doanh nghiệp trong nước có ưu thế là am hiểu văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Đồng thời cơ sở sản xuất tại chỗ rất dồi dào, chi phí vận chuyển từ sản xuất đến tiêu thụ thấp, đặc biệt sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp… Đây là những yếu tố mà các doanh Việt Nam phải tận dụng để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh với thương hiệu ngoại.

Sản xuất quần áo thời trang tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất quần áo thời trang tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Khóa Việt Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt thì chính người tiêu dùng nội địa là ''phép thử'' tốt nhất cho các nhà sản xuất. Muốn lấy được lòng tin người tiêu dùng, hàng bán tại thị trường trong nước phải tương đương, thậm chí phải tốt hơn xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy những năm qua, Công ty CP Khóa Việt Tiệp luôn nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua cải tiến công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại. Nhờ đó hàng năm, công ty cho ra đời từ 10 - 15 sản phẩm mới nhiều tính năng hiện đại, đồng thời cải tiến bao bì nổi bật, hấp dẫn và chắc chắn. Để kịp thời nắm bắt thông tin và đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, công ty mở rộng hệ thống bán hàng. 

Trong khi đó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, các nhãn hàng Việt muốn định vị được trên “sân nhà” cần xây dựng và phát triển thị trường theo cách riêng, không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn mà phải dựa trên nền tảng phân tích nội lực, phù hợp với người Việt Nam.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội tổ chức tại siêu thị AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt do Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội tổ chức tại siêu thị AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam

“Chẳng hạn như May 10 cho ra dòng sản phẩm thời trang nữ với số lượng nhỏ, nhiều mẫu, phục vụ may đo, nhảy cỡ nhiều, đây là cách đánh du kích bên cạnh người "khổng lồ", trong khi các hãng nước ngoài không thể may đo cho từng người được. Ðiều đó cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần chọn hướng đi theo ngách nhỏ, khó, khác biệt,... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” - ông Lê Tiến Trường nêu ví dụ.

Như vậy để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt cần chủ động thay đổi hướng tiếp cận thị trường, thay đổi tư duy về quản trị, tích cực đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số. Từ đó tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp, phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đây chính là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên “sân nhà”.