Doanh nghiệp vừa là nạn nhân và tác nhân gây ra tham nhũng

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng là mối lo ngại đối với hầu hết các quốc gia, đe dọa sự phát triển bền vững đặc biệt ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI), Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.
Cũng tại hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể” diễn ra ngày 12/4, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) viện dẫn số liệu của Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) 2016 đánh giá quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng. Theo đó, 38% người được hỏi cho rằng lãnh đạo DN là một trong 3 nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (lần lượt là 48% và 57%).
Có thể thấy, DN đang vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Kết quả khảo sát đưa ra tại hội thảo cũng cho thấy có 66% DN dân doanh trong nước đã trả phí; 59% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, 61,5% DN có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các DN đều có hành vi “lại quả” cho đối tác.
Báo cáo của CENSOGOR chỉ rõ, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đang ngày càng đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế và gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Tham nhũng làm xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, khởi nghiệp sáng tạo, cản trở cạnh tranh lành mạnh và giảm chất lượng của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, tham nhũng tạo ra các luồng tiền bất hợp pháp dưới hình thức các khoản trốn thuế, hối lộ và rửa tiền.
Trước thực trạng này, bà Viễn cho rằng, hành động tập thể chính là giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả và đã được kiểm nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Để thực hành liêm chính trong kinh doanh, hành động tập thể cần hướng tới 3 mục tiêu đó là trong nội bộ DN phải đánh giá được rủi ro xảy ra nếu có tham nhũng; phải thực hiện chính sách phòng chống tham nhũng; đồng thời cần cung cấp hướng dẫn cho các nhà quản lý những cách thức và giải pháp tiến hành. Song song với đó, cần chia sẻ chính sách nội bộ, những kinh nghiệm và thực tiễn tốt cùng các câu chuyện thành công liên quan tới phòng chống tham nhũng ra sao. Cuối cùng, tập thể cần tiếp cận các DN cùng ngành, các nhà cung cấp và các bên liên quan thông qua trung gian; đồng thời, phát kiến các hành động tập thể để phòng chống tham nhũng.
Nhằm nỗ lực hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai Đề án 12 với mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng DN cùng hợp tác hành động thực hiện liêm chính trong kinh doanh (gồm cả DN trong nước và nước ngoài) cùng hợp tác hành động, thực hiện liêm chính trong kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019. Bà Đinh Thị Bích Xuân, Điều phối viên Đề án 12 cho biết: “Nguyên tắc hoạt động của Đề án dựa trên 3 định hướng: Thúc đẩy xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ tốt trong DN; tăng cường chủ động hợp tác giữa cộng đồng DN với cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đề xuất với chính phủ hoàn thiện các quy định chính sách pháp luật và cải cách thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN”.