Độc giả hoan nghênh việc thu hồi sách của nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng ý kiến phản hồi của cơ quan quản lý, trong đó nhấn mạnh quyết định thu hồi cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, nhiều độc giả đã phản hồi hoan nghênh cách xử lý sự việc của lãnh đạo Nhà xuất bản ĐH Quốc gia.

Nhưng những cuốn từ điển còn bị đánh giá là thiếu chuẩn xác của GS.TS Nguyễn Văn Khang được xuất bản những năm trước tại các nhà xuất bản khác thì sao?
Bìa cuốn ''Từ điển Chính tả tiếng Việt'' của GS.TS Nguyễn Văn Khang.
Độc giả có nickname là Thành Tâm đã comment: “Hoan nghênh quyết định của Nhà xuất bản”. Nhiều độc giả cho rằng, sai sót trong biên tập, viết sách là điều không tránh khỏi, nhưng đây là cuốn sách mắc nhiều lỗi lại là sản phẩm của tác giả có học hàm học vị trong ngành ngôn ngữ nên càng dễ khiến độc giả tin dùng, gây hiểu lầm trong khi tham chiếu chính tả.
“Khi thấy sai thì phải thu hồi, đó là việc làm cần thiết” - độc giả Minh Hằng bình luận. Cùng quan điểm với bạn Minh Hằng, độc giả Khổng Bằng Hưng cho biết: “Muộn còn hơn không! Cuốn từ điển ngoài việc gây tác hại khôn lường với học sinh, sinh viên còn để cho các nhà ngôn ngữ khác trên thế giới đánh giá khi họ nghiên cứu về ngôn ngữ Việt Nam”.
Nhiều độc giả cho biết, dù tác giả có biện minh về việc tiếng Việt lưỡng khả hay biến thể, thì cũng không thể chấp nhận cách sử dụng chính tả tiếng Việt mà không phải là chính tả phổ thông, không giải thích rõ ràng quy luật từ vựng. “Nếu cuốn sách đề từ điển tiếng Việt thì còn có thể suy xét, đằng này là từ điển chính tả tiếng Việt, đã là chính tả thì phải chuẩn chỉnh” - độc giả Lê Phương cho hay.
Độc giả Lê Văn Sinh cho biết: “Để một cuốn sách từ điển chính tả phạm lỗi chính tả, lỗi in ấn nhiều như vậy xuất hiện trên giá sách công và tư thì lỗi trước hết là ở người viết sách, người in và phát hành sách. Họ không nên bào chữa cho sai lầm của mình với bất kỳ lý do gì. Làm sách công cụ là để nâng cao tri thức chứ không phải làm rối loạn tri thức của chúng ta”.
Một vài độc giả bất bình nên đề nghị cách xử lý mang tính phê bình dữ dội như nickname Lê Phục cho rằng: Thu hồi tiêu hủy ngoài thị trường, nhưng ở thư viện quốc gia, thư viện đại học làm tiêu bản đóng dấu: Từ điển này sai, đã thu hồi tiêu hủy.
Ngoài ra, khi được biết công đầu trong việc “nhặt sạn” cuốn sách là ông Hoàng Tuấn Công, một chuyên gia về khuyến nông tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều độc giả tỏ ra bất ngờ. Độc giả Lê Việt Dũng cho biết: Có thể gọi anh chuyên gia khuyến nông này là chuyên gia lĩnh vực văn hóa, chống lại “đạo tặc” ngôn ngữ. “Thu hồi cuốn sách, có tuyên dương anh khuyến nông không nhỉ?” - độc giả Lê Bình bày tỏ.
Được biết, việc thu hồi cuốn sách khiến cho độc giả tin tưởng việc dọn vườn của Nhà xuất bản ĐH Quốc gia, tuy nhiên theo phân tích thì cuốn “Từ điển Chính tả tiếng Việt” (xuất bản 2018) của GS.TS Nguyễn Văn Khang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn, gần như giống nhau hoàn toàn với cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” cũng do GS.TS Nguyễn Văn Khang chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2003.
Vậy các cơ quan quản lý, cụ thể là Nhà xuất bản Khoa học Xã hội sẽ xử lý cuốn từ điển này như thế nào, đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ?. Đó là chưa kể, ông Hoàng Tuấn Công cho biết, cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt - Hán" (Nguyễn Văn Khang - Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn - 2008) cũng có nhiều sai sót, và sai sót này khá giống kiểu sai sót trong "Từ điển chính tả tiếng Việt". Ông Hoàng Tuấn Công dự kiến sẽ tiếp tục phân tích những sai sót trong cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt - Hán" đến độc giả. Phải chăng, Cục Xuất bản In và Phát hành cần lập một hội đồng chuyên ngành, phân tích đánh giá sự chính xác và thiếu chuẩn xác của các công trình này, để có câu trả lời cho độc giả.