Dốc toàn lực đẩy lui ùn tắc giao thông

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm năm mới, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện về những giải pháp cho giao thông Thủ đô trong năm Đinh Dậu 2017.

Năm 2016 vừa qua, tình hình giao thông của Hà Nội được đánh giá là đã có những cải thiện rõ rệt, tình trạng UTGT và TNGT đã giảm. Có được thành quả đó là nhờ vào những nguồn lực nào, thưa ông?
- So với một số TP có tốc độ đô thị hóa tương đương, Hà Nội đã kéo giảm được cả UTGT lẫn NTNGT trên tất cả các tiêu chí: số điểm ùn tắc, số vụ, số người thương vong vì TNGT.
Có được kết quả đó là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Thành ủy, UBND TP với công tác điều hành, tổ chức, quản lý giao thông của TP. Cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, ngành chức năng và đặc biệt là sự chia sẻ, ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nếu thiếu những nguồn lực đó, giao thông Thủ đô sẽ khó lòng có được những bước tiến quan trọng trong năm qua.
Dù đã giảm được số điểm UTGT, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều điểm “nóng”. Vậy, đâu là nguyên nhân?
-  Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng, so với nhiều TP khác có tốc độ đô thị hóa tương đương, tình hình giao thông của Hà Nội vẫn có được những kết quả khả quan hơn hẳn. Tất nhiên, là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Thủ đô vẫn phải đối diện với áp lực lớn từ sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Hà Nội đang trong quá trình xây dựng, phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, nhiều công trình giao thông trọng điểm đang thi công như đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội... Việc thi công kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến không gian lưu thông. Trên thực tế 14/17 điểm UTGT mới phát sinh năm 2016 nằm trên lộ trình các công trình này. Cùng với đó, kinh tế phát triển sôi động, đời sống được nâng cao nên người dân có điều kiện mua sắm phương tiện, có nhu cầu đi lại nhiều hơn, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến gia tăng áp lực giao thông. Tôi cho rằng, đây là bài toán tất yếu sẽ đặt ra đối với bất kỳ TP nào trên đà phát triển; vấn đề là phải tìm ra lời giải thích hợp, bền vững cho vấn nạn UTGT.
Để hạn chế, tiến tới giải quyết vấn nạn UTGT trên địa bàn TP cần có những giải pháp gì?
- Vừa qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 06 về chương trình mục tiêu giảm UTGT và xây dựng nhiều kế hoạch khác. TP cũng đang triển khai hết sức tích cực 6 nhóm giải pháp chính nhằm hạn chế UTGT trên địa bàn. Đó là, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng, nâng cao năng lực mạng lưới vận tải hành khách công cộng; hạn chế phương tiện cá nhân; tìm kiếm giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, áp dụng công nghệ thông minh vào điều hành, quản lý giao thông; tăng cường kiểm tra, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm vi phạm giao thông trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, cần chú trọng đến 3 mục tiêu chính: Phát triển không gian ngầm dành cho giao thông, áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) vào điều hành giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng, lấy ý kiến chuyên gia về “Đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân” chuẩn bị trình các cấp chức năng xem xét, phê duyệt. Nếu được thông qua, Hà Nội sẽ có đủ chế tài cho lộ trình hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm lưu thông một số loại phương tiện, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm. Ngày 12/1 vừa qua, chúng tôi cũng đã phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng tổ chức giao thông cho Hà Nội, hy vọng qua đó sẽ huy động được trí tuệ và năng lực của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như Nhân dân đóng góp vào công tác quản lý, điều hành giao thông của Thủ đô. Ngoài ra, năm 2017, một số tuyến vận tải công cộng có ý nghĩa lớn như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông... đã hoặc sắp đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể hạn chế phương tiện cá nhân, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân trong TP.
Ông nhận định như thế nào về những khó khăn, thách thức đối với giao thông Hà Nội trong giai đoạn trước mắt?
- Theo tôi, 4 tồn tại, khó khăn lớn nhất của giao thông Hà Nội hiện nay bao gồm: Tốc độ phát triển hạ tầng chưa tương xứng với quy mô dân số cũng như kinh tế - xã hội; Sự gia tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân; Ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn yếu kém; công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải cũng như xử lý vi phạm giao thông chưa đạt kết quả cao nhất. Đó là những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cần tập trung giải quyết càng sớm càng tốt. Vấn đề nào có thể thì giải quyết ngay, dứt điểm để tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giao thông đạt hiệu quả như mong muốn.
Năm 2017, chính quyền TP cũng như Sở GTVT sẽ tập trung vào những giải pháp nào để hạn chế UTGT?
- Những giải pháp chính đã và đang được tiến hành một cách quyết liệt, mạnh mẽ ngay từ năm 2016 rồi. Bước sang năm 2017, công tác giữ gìn trật tự, ATGT trên địa bàn TP sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn tất điều chỉnh luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo đúng quy hoạch của Bộ GTVT và chỉ đạo của UBND TP. Bên cạnh đó, tiếp đà thành công của tuyến buýt BRT 01, Sở và các đơn vị hữu quan sẽ đề xuất TP cho đưa vào vận hành thêm các tuyến buýt BRT nữa; chuẩn bị điều kiện để vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Cùng với đó, các tuyến buýt thường sẽ tiếp tục được mở rộng trên toàn TP, nâng cao năng lực phục vụ của vận tải công cộng, hướng tới mục tiêu đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP có những quyết sách phù hợp, tìm kiếm nguồn lực, đẩy mạnh quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối và đáp ứng nhu càu đi lại của người dân.
Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan thông tin, ngôn luận đồng hành cùng Sở và TP, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham giao giao thông, chấp hành pháp luật cho người dân. Khi “Đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân” được thông qua và áp dụng vào thực tế, cũng rất cần sự chung tay, góp sức của hệ thống tuyên truyền để Đề án thực hiện thuận lợi, nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Nhân dân. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Bộ GTVT trong mọi lĩnh vực công tác để bám sát và thực hiện tốt các biện pháp kéo giảm UTGT, đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn TP.
Xin cảm ơn ông!