Đòi giá cao, “cuộc tình” VNPost- LienVietPostBank có đi đến hồi kết?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 21/4, cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank là VNPost sẽ bán đấu giá toàn bộ số cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng tại ngân hàng này. Cuộc thoái lui lần 2 của VNPost tại LienVietPostBank có thành công khi giá khởi điểm đưa ra quá cao là câu hỏi mà thị trường đang chờ đợi.

Mối lương duyên hơn một thập kỷ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết đã nhận được đơn đăng ký đấu giá bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu. VNPost hiện là cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank khi nắm giữ hơn 140,5 triệu cổ phần, tương ứng với 8,13% vốn điều lệ ngân hàng này.

VNPost và LienVietPostBank đã có mối lương duyên hơn 1 thập kỷ
VNPost và LienVietPostBank đã có mối lương duyên hơn 1 thập kỷ

Theo đó, VNPost sẽ bán đấu giá toàn bộ số cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng tại nhà băng này. Với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phần, VNPost dự kiến thu về ít nhất 3.218,5 tỷ đồng.

Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tại trụ sở HNX. Đối tượng tham gia là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định. Công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý cho cuộc đấu giá gửi đơn đăng ký chậm nhất vào chiều ngày 13/3.

LienVietPostBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) được thành lập theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 91/GP-NHNN ngày 28/3/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cổ đông sáng lập của LienVietPostBank là Công ty CP Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).

Năm 2011, với việc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền mặt, Ngân hàng Liên Việt đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN Việt Nam cho phép đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Cùng với việc đổi tên này, VNPost chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của LienVietPostBank.

Sự tham gia góp vốn của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tại thời điểm đó được lãnh đạo LienVietPostBank kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để ngân hàng này “rút ngắn” tới 100 năm trong việc phát triển mạng lưới.

Hiện nay, với số vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp toàn quốc, LienVietPostBank là một trong các ngân hàng TMCP lớn nhất tại Việt Nam. LienVietPostBank định hướng xây dựng thương hiệu mạnh trên cơ sở phát huy nội lực, hoạt động minh bạch, gắn xã hội trong kinh doanh.

Tính đến cuối năm 2022, LienVietPostBank có tổng tài sản đạt gần 328.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là cho vay khách hàng đạt trên 235.500 tỷ và tiền gửi của khách hàng đạt gần 215.900 tỷ, tăng lần lượt gần 13% và 20% so với đầu năm. Hiện tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3-5) trên bảng cân đối kế toán của LienVietPostBank vào khoảng 3.427 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Giá khởi điểm “đắt” gấp 2 lần giá thị trường

Đây không phải là lần đầu tiên VNPost thoái lui của LienVietPostBank. Đầu năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LienVietPostBank với giá khởi điểm 29.930 đồng/đơn vị, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng không thành công. Chỉ 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua thành công 800 cổ phần từ VNPost với giá đấu bình quân 29.483 đồng/đơn vị.

Do thoái vốn không thành công, VNPost nhận thêm 18,3 triệu cổ phần nhà băng từ đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, nâng sở hữu từ 122,2 triệu cổ phần lên hơn 140,5 triệu đơn vị.

Và lần này, việc đưa giá khởi điểm quá cao cũng khiến thị trường nghi ngại về xác xuất thành công của thương vụ này. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank ở mức 14.750 đồng/đơn vị, thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm mà VNPost muốn bán đấu giá.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu LPB của LienVietPostbank có mức tăng khá tốt (12,6% giá trị) và là cố phiếu ngân hàng được nhiều nhà đầu tư kì vọng với khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày vào khoảng hơn 10 triệu cổ phiếu. Tuy vậy, việc giá khởi điểm ở mức 29.930 đồng/đơn vị, gấp đôi giá thị trường chắc chắn là một rào cản với nhà đầu tư.

Trong cơ cấu cổ đông của LienVietPostbank hiện nay, VNPost chiếm 8,13% và là đơn vị chiếm tỷ lệ sở hữu cao nhất. Theo sau là ông Nguyễn Đức Thuỵ (bầu Thụy) khi nắm trong tay hơn 47,8 triệu cổ phiếu LPB (chiếm 2,76%). Tỷ lệ sở hữu nhà nước chiếm 9,86%; sở hữu nước ngoài 4,86%; sở hữu khác 85,28%.

Trong diễn biến liên quan, LienVietPostBank cũng vừa công bố thông tin về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cho cổ đông đề cử ứng viên bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 và tham dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/2/2023.

Trước đó, cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Thụy chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank từ ngày 9/12/2022 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Bầu Thụy chính thức gia nhập HĐQT LienVietPostBank với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT vào tháng 5/2021. Có thời điểm ước tính số cổ phiếu mà bầu Thụy và nhóm Thaiholdings sở hữu có thể lên tới hơn 70 triệu cổ phiếu LPB.

Ngoài ra, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng này dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4 tại Hà Nội thay vì trong TP Hồ Chí Minh như những năm gần đây.

Lũy kế cả năm 2022, LienVietPostBank thu về tổng cộng gần 14.200 tỷ đồng doanh thu, tăng 41%. Bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 140%, tiêu tốn gần 3.200 tỷ, nhờ việc tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động (chỉ tăng 4%) nên lãi trước thuế cả năm của LienVietPostBank vẫn tăng hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt 5.690 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp ngân hàng thu về được là 4.510 tỷ đồng, cũng tăng 57%.