Hà Nội:

Đổi mới giảng dạy qua sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 4/10, Sở GD&ĐT phối hợp Cụm trường Đan Phượng – Phúc Thọ tổ chức hội nghị chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Ngoài trực tiếp tại Trường THPT Đan Phượng, hội nghị được kết nối trực tuyến tới 237 điểm cầu là các trường THPT trên địa bàn TP.

Cô Nguyễn Hương Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) trong tiết dạy cho học sinh lớp 11 Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng)
Cô Nguyễn Hương Thủy, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) trong tiết dạy cho học sinh lớp 11 Trường THPT Đan Phượng (huyện Đan Phượng)

Buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học được mở đầu bằng tiết dạy môn Ngữ văn của cô giáo Nguyễn Hương Thủy, Trường THPT Chu Văn An với học sinh lớp 11 Trường THPT Đan Phượng. Tiết học được kết nối trực tuyến tới 4 lớp 11 của trường, khối 11 của Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), Trường THPT Tân Lập (huyện Đan Phượng) và 237 điểm cầu tại các trường THPT trên địa bàn toàn TP.

Tham gia dự giờ tiết học theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến còn có 80 thầy cô là giáo viên cốt cán, tổ trưởng tổ Ngữ văn và giáo viên dạy môn Ngữ văn thuộc các Trường THPT cụm Đan Phượng – Phúc Thọ.

Tiết học của cô Nguyễn Hương Thủy với học sinh lớp 11 của Trường THPT Đan Phượng là "Bài 5: Nhân vật và xung đột trong bi kịch" trong văn bản "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" (trích Vũ Như Tô) của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Bằng phương pháp dạy học sáng tạo và hiện đại, cô Nguyễn Hương Thủy đã mang đến cho lớp học không khí sôi nổi, hấp dẫn; học sinh hào hứng phát biểu trả lời các câu hỏi để cùng phân tích nội dung bài học. Với cách thức dạy học mở, học sinh thực sự làm chủ tiết học, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Cô Hương Thủy không quên nhắc học sinh cách thức vừa phát biểu, vừa lắng nghe, vừa ghi chép ý chính để ghi nhớ lâu hơn, nhanh hơn và có thể tra cứu, xem lại nội dung bài học.

Các giáo viên cốt cán tham dự giờ dạy minh họa theo sinh hoạt chuyên đề
Các giáo viên cốt cán cụm Đan Phượng - Phúc Thọ tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học

Sau tiết dạy, các giáo viên cốt cán, tổ trưởng tổ chuyên môn đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, nêu ý kiến về tiết dạy minh họa của đồng nghiệp để cùng nhau học hỏi và rút kinh nghiệm.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ: Sở GD&ĐT đánh giá rất cao việc tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn trực tiếp kết hợp trực tuyến bởi không chỉ được trao đổi, thảo luận, giảng dạy trong phạm vi trường mình, với đối tượng học sinh của mình mà còn với đồng nghiệp trường khác và với học sinh trường khác. 

“Với việc tổ chức chuyên đề sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn môn Ngữ văn với 1 tiết dạy của cô giáo trường THPT Chu Văn An cho học sinh lớp 11 trường THPT Đan Phượng, THPT Tây Hồ, THPT Tân Lập theo hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến tại cụm trường THPT Đan Phượng - Phúc Thọ đã tạo cơ hội để thầy cô trường nội thành dạy 1 tiết cho học sinh trường ngoại thành, đồng thời cũng tạo cơ hội cho học sinh được học tập thầy cô giáo từ trường khác đến. Buổi sinh hoạt chuyên môn chất lượng của cụm Đan Phương - Phúc Thọ đã khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm””- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, yêu cầu của Chương trình Giáo dục 2018 đòi hỏi mỗi nhà trường, mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy cô giáo phải thực sự có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý, trong các hoạt động giáo dục và đặc biệt là trong giảng dạy.

Để đổi mới thực sự hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu đề ra, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục thì tự thân mỗi cá nhân, mỗi nhà trường không thể một sớm, một chiều là có thể làm được. Cùng chung tay, hợp sức, sẻ chia kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau là cách đi đến đích nhanh nhất và cũng là cách để cùng phát triển.

Từ đây, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT mong muốn ngành giáo dục Hà Nội sẽ có nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn với các môn học khác giúp học sinh có nhiều cơ hội được học tập với các thầy cô giáo ở các trường khác và để giáo viên các nhà trường được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và cùng nâng cao phương pháp dạy học.