Đổi mới giáo dục phải có tính liên thông

Trung Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Thực tế cho thấy, việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGD&ĐT (TT30) của Bộ GD&ĐT đang gây áp lực và làm khó học sinh (HS), giáo viên khi vào bậc THCS (lớp 6).

 
Chia sẻ thực trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội ủng hộ quan điểm đổi mới giáo dục, nhưng cần có tính liên thông. 
 Sau 2 năm thực hiện đánh giá HS tiểu học theo TT30, thực tế cho thấy HS đã rất “sốc” khi bước vào lớp 6, thưa ông?
 - Tôi khẳng định rằng, chính từ nhận thức của giáo viên, phụ huynh ở cấp 1 chưa rõ, giáo viên chưa được “ngấm” thông tư, cha mẹ thấy không cho bài tập về nhà thì phấn khởi... Nhưng đổi mới ở đây, trước hết giáo viên phải được “ngấm” Thông tư, giáo viên phải được hướng dẫn kỹ lưỡng: Cách đánh giá HS, giáo viên phải biết hướng dẫn HS cách học... không phải từng bài mà phải cho HS biết thể hiện cách tự học, tự sáng tạo... Như thế, HS sẽ tự lập, tự tìm ra giải pháp khúc mắc trong quá trình học, từ đó, lên cấp 2 sẽ thích nghi với môi trường học tập mới, HS sẽ không “sốc”.
HS ngơ ngác, lười học khi vào lớp 6, nhiều người ví “Thực hiện  TT30 như “mang con bỏ chợ”. Theo ông, cần điều chỉnh, thực hiện thế nào cho hiệu quả?
- Trước hết phải thực hiện được 3 vấn đề: Nhận thức của giáo viên; điều kiện cơ sở vật chất; Làm cuốn chiếu, làm thử nghiệm một trường thật tốt, sau đó mới triển khai đại trà... Trong đó, để giáo viên làm tốt việc này: Đầu tiên số lượng HS ít (hiện sĩ số bình quân 50 HS/lớp) nếu không tách được lớp phải thêm giáo viên, từ đó giáo viên có điều kiện, thời gian hướng dẫn HS cách tự học, tự triển khai bài học... như thế lên cấp 2 (lớp 6) HS sẽ ý thức, thích nghi dần với việc học tập, không “choáng” với lượng kiến thức ở cấp học cao hơn. Điều đặc, khi triển khai phải có kế hoạch, có lộ trình, không chỉ thực hiện cách đánh giá ở cấp 1, lên cấp 2 vẫn dạy – học theo cách cũ... Đây là những hạn chế, bất cập gây áp lực cho cả HS, giáo viên. Làm phải có tính kế thừa, tính liên thông thì việc đổi mới giáo dục mới thực sự đáp ứng theo yêu cầu mới.
Vậy, theo ông, TT30 cần tập trung sửa đổi những nội dung nào?
- TT 30 là một trong những bước đi quan trọng để giáo dục theo định hướng phát triển năng lực. Đồng thời, TT30 cũng là bước đi quan trọng nhằm giải quyết tận gốc bệnh thành tích. Nhưng để vận dụng đạt hiệu quả tốt nhất thì TT 30 cần sửa đổi một số nội dung còn hạn chế như: Thứ nhất, do việc triển khai quá gấp gáp trong khi giáo viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, cách thức thực hiện và các vấn đề xung quanh TT30. Việc này cần phải được giải quyết bằng các lớp tập huấn kỹ càng cho giáo viên, trong đó, nội dung tập huấn không chỉ tập trung vào ý nghĩa, mục tiêu của TT30 mà giáo viên phải được tập huấn đủ kỹ năng, đủ để thực hiện theo cách mới.
Thứ hai, cần đổi mới về sổ sách, có thể nói, những quy định cứng nhắc về sổ sách trong Thông tư đã làm tốn nhiều thời gian của giáo viên. Cho nên, TT30 sửa đổi cần bỏ sổ theo dõi chất lượng, những quyển sổ khác không nhất thiết phải thanh, kiểm tra quá nhiều. Sổ sách không đánh giá được giáo viên giỏi, mà giáo viên giỏi là giáo viên phải giúp HS tiến bộ, hướng dẫn HS biết cách tự học, sáng tạo,... Với tiêu chí này, rõ ràng những quy định không hợp lý về việc ghi chép sổ sách cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt.
Xin cảm ơn ông!