Đối thoại để hiểu dân hơn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo UBND nhiều địa phương “ngại” đối thoại, “lười” đến tòa khi bị công dân kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính, có địa phương Chủ tịch và cấp phó được ủy quyền vắng mặt 100%.

Đó là một trong những nhận định rất được chú ý khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra những kết quả ban đầu qua giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính.
Nguyên nhân lý giải cho việc vắng mặt của người đại diện cơ quan hành chính có nhiều, nhưng như nhiều ý kiến nhận định, chính việc này đã làm mất cơ hội để hiểu dân, giải quyết ngọn ngành các khúc mắc.

Những con số Ủy ban Tư pháp đưa ra cho thấy, tỷ lệ chính quyền “không đối thoại”, “không dự tòa” tăng đều qua các năm, nhất là sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 chính thức có hiệu lực. Sự vắng mặt của bên bị khiếu kiện ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng xét xử các phiên tòa hành chính, nhưng cái bị ảnh hưởng đáng lo ngại hơn là niềm tin và tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân. Thống kê cho thấy, trong 3 năm, từ 2015 - 2017 cả nước có 11.180 quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khiếu kiện. Trong đó có gần 1.200 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị Tòa án hủy toàn bộ hoặc một phần; hơn 1.300 vụ được xét xử vắng mặt bên bị kiện; gần 1.880 vụ không tổ chức được các phiên tòa đối thoại do bên bị kiện vắng mặt.

Thực tế cho thấy, sự gia tăng của những vụ kiện hành chính trong thời gian qua chứng tỏ người dân đang ngày càng ý thức rõ ràng hơn về quyền được khởi kiện những quyết định, hành vi hành chính của chính quyền ra tòa nếu thấy thiệt hại đến lợi ích của mình. Chưa tính đến việc ai đúng, ai sai, nhưng việc chính quyền địa phương “từ chối” việc đối thoại, việc tham gia tố tụng sẽ khiến cho vụ việc càng khó được tháo gỡ những khúc mắc. Chính kết quả giám sát cũng đã chỉ rõ, tình trạng này đã làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội để chính quyền trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân. Để từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành quyết định hành chính cũng như việc thực hiện hành vi hành chính để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc.

Dù quả thực, với số lượng không nhỏ các vụ việc hành chính được đưa ra tòa, lãnh đạo chính quyền địa phương khó có thể bố trí thời gian để dự cho đủ. Nhưng việc vắng mặt “tuyệt đối” là điều không nên. Bởi chỉ khi lãnh đạo cơ quan hành chính sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ, mọi việc dù phức tạp, cũng dễ dàng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân.

Hiện nay, các địa phương cũng đang tăng cường nhiều hình thức đối thoại với người dân, từ định kỳ đến đối thoại đột xuất, theo vụ việc. Và trong nhiều cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, thì việc đối thoại, tham dự các phiên tòa cũng là một hình thức không nên coi nhẹ hoặc bỏ qua. Thực tế cho thấy, giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân đã xử lý được nhiều vụ việc nảy sinh, phức tạp ngay tại địa phương chính bằng việc đối thoại thẳng thắn. Nơi nào tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với người dân, ở đó những bức xúc được giải quyết kịp thời. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, đồng thời xây dựng một chính quyền gần dân, nghe dân và hiểu được dân.