Đón đầu xu thế, Sơn Hà đi trước phát triển năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực và có quy mô xuất khẩu các sản phẩm gia dụng, điện… tới 45 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Sơn Hà còn tiên phong với những chiến lược trong ngắn, trung và dài hạn, đón đầu xu thế phát triển năng lượng tái tạo.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đã cho thấy được tính đúng đắn và khẳng định thương hiệu của Sơn Hà bằng những bước đi hợp lý.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Giám đốc Điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar (Tập đoàn Sơn Hà) Phạm Thế Tuân cho biết, với Sơn Hà, Tập đoàn đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng từ 3 - 4 năm trước đây để bắt kịp xu thế của Quy hoạch điện VIII: Thành lập Công ty CP Điện mặt trời Sơn Hà FreeSolar, các trung tâm R&D, hợp tác với các chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển điện năng lượng mặt trời.

Mục tiêu của Sơn Hà là góp phần xây dựng cuộc sống xanh bền vững cho gia đình Việt, biến mỗi mái nhà Việt thành một nhà máy phát điện mini, cung cấp điện sạch giá rẻ cho mỗi hộ gia đình, đơn vị kinh doanh, sản xuất, tòa nhà văn phòng, nhà máy.

Sơn Hà lắp điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ sản xuất, góp phần cung cấp năng lượng sạch cho đất nước. Ảnh: Khắc Kiên
Sơn Hà lắp điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ sản xuất, góp phần cung cấp năng lượng sạch cho đất nước. Ảnh: Khắc Kiên


Từ đó, Sơn Hà đã bán hàng chục nghìn sản phẩm điện mặt trời áp mái cho các công trình trong cả nước, tạo ra hàng chục triệu kWp điện và giảm phát thải trên 20.000 tấn khí CO2.

“Sơn Hà đã và đang liên kết hợp tác với các công ty năng lượng đối tác quốc tế để triển khai kinh doanh thuê mái lắp đặt điện mặt trời và cung cấp năng lượng sạch cho các nhà máy tại các khu công nghiệp trên toàn quốc. Đồng thời, Sơn Hà đã đầu tư và lắp đặt điện mặt trời áp mái FreeSolar tại hệ thống các nhà máy của Sơn Hà từ Bắc vào Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: tiết giảm tiền điện hằng tháng, tạo lợi thế để xuất khẩu các sản phẩm gia dụng, ống inox vào thị trường các nước phát triển Mỹ, châu Âu…” - CEO Phạm Thế Tuân thông tin

Ngoài ra, tại Khu công nghiệp SHIIP Tam Dương, Vĩnh Phúc do Sơn Hà làm chủ đầu tư cũng tích hợp hệ thống điện mặt trời áp mái Freesolar vào hạ tầng các nhà máy tại đó; qua đó, giúp biến các mái nhà xưởng thành các trạm phát điện dựa vào nguồn năng lượng mặt trời. Điều này góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các DN hoạt động, hướng tới xu hướng phát triển môi trường sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu giảm phát thải

Thực tế cho thấy, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, nguồn phát điện cần phải tăng lên (thông thường để GDP tăng 1% thì nguồn điện phải tăng 2%), do vậy nhu cầu tăng nguồn phát điện không phát thải chỉ còn biện pháp tăng công suất năng lượng tái tạo.

CEO Phạm Thế Tuân đánh giá, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ tăng nguồn phát nguồn điện khí và năng lượng tái tạo như: điện mặt trời, điện gió, điện khí và giảm dần điện than. Bởi, điện than ngày càng đắt do nhập khẩu nên chi phí sẽ cao hơn so với nguồn năng lượng tái tạo, mặt khác điện than phát thải khí CO2 lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu.

Theo ông, sự cấp thiết và những vấn đề đặt ra khi thực hiện phát triển nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với cam kết của Việt Nam về giảm phát thải là rất lớn.

Để đạt được mục tiêu cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050, Việt Nam cần thiết phải thực hiện ngay các biện pháp hạn chế dần các nguồn phát thải, trong đó điện than là nguyên nhân phát thải lớn nhất.

Tuy nhiên, vị này có chút trăn trở, Quy hoạch điện VIII về cơ bản mới thể hiện được mục tiêu về việc cơ cấu nguồn điện đến năm 2030. Để triển khai đồng bộ cần các cấp, ngành phối hợp, từ Bộ Công Thương và thông suốt đến các địa phương có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời để ra được bộ quy tắc, kế hoạch rõ ràng, chính sách minh bạch. Từ đó mới khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chung tay thực hiện, không lo nghẽn dòng tiền.

Bởi, để hút DN đầu tư và có thể phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, Chính phủ và bộ, ngành cần ra được chính sách dài hạn, cơ chế minh bạch và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư thì mới thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.

“Việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam theo cam kết tại COP26, Quy hoạch điện VIII nếu đi đúng hướng và triển khai bài bản, khoa học sẽ giúp phát triển đồng bộ các ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện biomass và điện khí. Qua đó định hình cơ cấu năng lượng bền vững và hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong thập kỷ tới, cũng như bám sát mục tiêu Netzero, trung hòa carbon năm 2050” - CEO Phạm Thế Tuân nhấn mạnh.