Dồn điền đổi thửa: Tiền đề thúc đẩy sản xuất

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đóng vai trò quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 đang được Hà Nội tập trung thực hiện.
Giá trị kinh tế vượt trội

Nằm ven sông Hồng, huyện Phúc Thọ là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội hoàn thành công tác DĐĐT với tổng diện tích trên 3.707ha. Thành công đó thể hiện từ việc mỗi hộ dân trên địa bàn huyện có trung bình 5,8 thửa ruộng, nay đã giảm xuống chỉ còn 1,59 thửa.
 Vùng rau an toàn cho giá trị kinh tế cao tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng
Sau quá trình DĐĐT, Phúc Thọ chú trọng đầu tư, phát triển những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Chủ tịch UBND huyện Doãn Trung Tuấn cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi từ cây màu sang cây ăn quả, hoa, rau an toàn được trên 800ha. Nhiều mô hình sau chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao như rau an toàn (700 triệu đồng/ha), hoa ly (2,8 tỷ đồng/ha), bưởi (500 triệu đồng/ha)… Hàng năm, Phúc Thọ cung ứng cho thị trường trên 8.162 tấn trái cây các loại, trong đó có nhiều nông sản được ưa chuộng như chuối, đu đủ, táo, ổi… Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha canh tác đã đạt gần 300 triệu đồng. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân lên mức gần 37 triệu đồng/người/năm…

Không chỉ tại riêng huyện Phúc Thọ, công tác DĐĐT được 17 huyện, thị xã còn lại của Hà Nội tập trung triển khai, đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được trên 78.748ha (đạt 103,2%, vượt kế hoạch đề ra). Bên cạnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, diện tích đất dôi dư sau DĐĐT là 1.837ha tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.

Để tạo điều kiện cho các hộ yên tâm sản xuất, song song với DĐĐT, các địa phương cũng tập trung cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đến nay, toàn TP đã cấp được 611.370 GCNQSDĐ (đạt 97,8%). Qua đó, giúp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng định hướng, quy hoạch, phát triển sản xuất lâu dài…

Phấn đấu hoàn thành trong năm 2017

Dù diện tích DĐĐT toàn TP đạt tỷ lệ cao, tuy nhiên, việc thực hiện công tác này tại một số huyện còn chậm. Cụ thể, 5 địa phương đến nay chưa hoàn thành công tác DĐĐT, với tổng diện tích 793,4ha gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai. Cùng với đó, việc cấp GCNQSDĐ cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện, vẫn còn 12 huyện, thị xã chưa hoàn thành cấp GCNQSDĐ nông nghiệp với tổng số 13.887 trường hợp.

Liên quan tới nguyên nhân khiến tiến độ cấp GCNQSDĐ tại một số địa phương hiện chưa đạt so với yêu cầu, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ lý giải: Một số chủ đất không hợp tác kê khai. Người đứng tên chủ sở hữu đất không có mặt tại địa phương nên chưa thỏa thuận được. Ngoài ra, một số chủ đất đã qua đời, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện… Để đáp ứng nhu cầu về sử dụng đất sau DĐĐT, ông Chu Phú Mỹ đề nghị 5 địa phương chưa hoàn thành công tác DĐĐT cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dồn ghép ruộng đất. Đối với 12 huyện, thị xã chưa hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ nông nghiệp cần chỉ đạo đôn đốc việc triển khai, phấn đấu hoàn thành trong năm 2017.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau DĐĐT, lãnh đạo một số địa phương kiến nghị, TP sớm có hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cần tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây sẽ là những điều kiện cần thiết để các địa phương thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị các ngành hàng nông nghiệp, qua đó, tiếp tục nâng cao đời sống cho người nông dân.