“Đòn gió” của Tổng thống Philippines?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa tuyên bố Manila sẽ chuyển đổi mô hình hợp tác với các đồng minh lâu năm, theo đó không cắt đứt quan hệ đồng minh quân sự nhưng theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập.

Thêm một lần ông Duterte mạnh miệng, hay Manila thực sự thay đổi chính sách ngoại giao?

Tuyên bố gây sốc

Theo Tổng thống Philippines, bước đầu tiên, Manila sẽ không tham gia vào các cuộc tuần tra do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đông vì không muốn “vướng vào rắc rối”. Bước thứ hai là kết thúc phụ thuộc của Philippines về vũ khí đối với Mỹ, chuyển hướng sang đặt hàng vũ khí từ Nga và Trung Quốc. Ông Duterte cho biết, chính quyền hai nước này đã đồng ý cung cấp cho Philippines một khoản vay trong 25 năm để mua trang thiết bị quân sự. Hiện tại, khoảng 75% vũ khí của Manila từ những năm 1950 được nhập khẩu từ Mỹ. Ông Duterte cho biết muốn mua vũ khí từ các nước với giá cả thấp và minh bạch. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và chuyên gia kỹ thuật quân sự dự kiến sẽ thăm Trung Quốc và Nga để khảo sát tình hình.
 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Diễn biến này xuất hiện chỉ một ngày sau khi ông Duterte kêu gọi Chính phủ Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm tại Mindanao về nước. Tổng thống Philippines khẳng định một số hành động của Washington khi Manila còn là thuộc địa là “tội ác” và cho rằng sự hiện diện của lực lượng ở Mindanao gây cản trở cuộc chiến chống khủng bố. Phát ngôn viên của Tổng thống Ernesto Abella ngay sau đó đã “thanh minh” rằng, tuyên bố này chỉ nhằm mục đích "cảnh báo" về những nguy cơ mà người Mỹ phải đối mặt ở Mindanao. Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay cũng nhanh chóng “chữa cháy” bằng cách cam kết không có sự thay đổi trong chính sách của Manila với đối tác thân cận.

Thử thách đồng minh quân sự

Nổi tiếng mạnh miệng, những phát ngôn tranh cãi của Tổng thống Philippines được xem là dành cho Tổng thống Mỹ gần đây đã thực sự thử thách mối quan hệ đồng minh thân thiết có tầm chiến lược với Washington. Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Philippines có thể coi là lời đáp trả mà Washington gửi tới Manila. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Commander Gary Ross cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Philippines "đã trở thành nền tảng của sự ổn định trong hơn 70 năm" nhưng chính quyền Washington sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đối tác Philippines để điều chỉnh hỗ trợ phù hợp với cách điều hành của Chính phủ mới.
Theo các chuyên gia, việc nhà lãnh đạo Philippines ngỏ lời mua vũ khí của Trung Quốc không đánh dấu sự biến chuyển trong chính sách ngoại giao. Bởi tranh luận với Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vấn đề Biển Đông chưa ngã ngũ. Bên cạnh đó, Trung Quốc chưa chắc bán vũ khí cho Philippines với giá tốt hơn Mỹ, bởi Bắc Kinh còn chưa xây dựng được niềm tin vững chắc với vị Tổng thống mệnh danh “Donald Trump của châu Á”. Hành động của ông Duterte thực chất nhằm thử thách đồng minh lâu đời là Mỹ, từ đó thuyết phục nước này đưa ra những thỏa thuận có lợi hơn cho Manila.
Chiến thuật thực dụng
Trao đổi với  Kinh tế & Đô thị về khả năng ông Duterte thay đổi chính sách đồng minh với Mỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho biết, trong 4 thập kỷ qua, Philippines luôn “ngả nghiêng” giữa Trung Quốc và Mỹ. Như trong thời kỳ bà Arroyo cầm quyền (2001 - 2010), các chính sách của Philippines nghiêng về Trung Quốc hơn. Trong khi người kế nhiệm bà, cựu Tổng thống Aquino, người vừa kết thúc nhiệm kỳ, đã đưa Manila trở thành đồng minh thân cận nhất với Mỹ ở khu vực châu Á. Thực tế, trong nhiệm kỳ của mình, ông Aquino đã nhiều lần đàm phán với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn kiên quyết giữ thái độ quyết đoán trong yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Chính điều này dẫn đến việc chính quyền Philppines thân thiết hơn với Mỹ và kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào đầu năm 2013.
Và hiện tại, đến lượt ông DutertePhilippines lại “quay ngoắt” so với chính sách của người tiền nhiệm. Nhìn lại con người của Tổng thống đương nhiệm thì từ nhỏ, ông Duterte đã có tính cách khá ngang ngược. Thời còn làm Thị trưởng TP miền Nam Davao, ông Duterte cũng lãnh đạo theo phong cách này. Đến khi ra tranh cử Tổng thống, cương lĩnh tranh cử của ông đã đánh trúng tâm lý của người dân Philippines. Tại quốc đảo này, tình trạng tội phạm ma túy đã thành một vấn nạn. Ông Duterte đã cam kết sẽ dẹp hết tội phạm ma túy trong vòng 6 tháng. Mặc dù ai cũng biết đây chỉ là hứa “hão”, nhưng điều này đã đánh trúng tâm lý bức xúc của xã hội Philippines kéo dài trong 20 - 30 năm gần đây.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, bản chất ông Duterte là con người khá thực dụng. Ông muốn để lại dấu ấn trong quá trình lãnh đạo Philippines trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc và các bến cảng, sân bay lớn. Vì vậy, ông mong muốn lấy nguồn lực từ hợp tác kinh tế với Trung Quốc để có thể thực hiện mong muốn. Hiểu được tính cách này, ngay khi ông vừa nhậm chức, giới chức Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ giống lúa mới, giải quyết vấn đề lương thực cho Philippines, điều mà quốc đảo này đang rất cần. Bên cạnh đó là đầu tư vào các công trình đường cao tốc, sân bay, bến cảng.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông Duterte sẽ không “có gan” quay lưng lại với Mỹ. Hiện tại, khoảng 80% sĩ quan quân đội và an ninh Philippines được đào tạo tại Mỹ. Nếu ông Duterte có ý định quay lưng lại với Mỹ, ông sẽ vấp phải sự phản đối từ chính lực lượng này. Ngoài ra, việc Trung Quốc đánh chiếm bãi cạn Scaborough hồi năm 2012 đã tạo ra tâm lý bất bình trong người dân Philippines đối với Bắc Kinh. Tổng thống Duterte không thể quay lưng với gần 100 triệu người dân Philippines, với chủ quyền quốc gia. (Lan Hương)