Đông Anh tổ chức hội thi về quy tắc ứng xử nơi công cộng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/8, huyện Đông Anh tổ chức Hội thi “Tìm hiểu quy tắc ứng xử nơi công cộng” năm 2019. Tham dự hội thi có 4 đội xuất sắc được lựa chọn từ hội thi cấp cơ sở đến từ các xã: Nam Hồng, Đông Hội, Xuân Nộn và Nguyên Khê.

Chủ đề của hội thi là “Nông dân Hà Nội - Thanh lịch - Hiểu biết - Năng động - Nghĩa tình - Kỷ cương”. Tại hội thi, các đội phải trải qua 4 phần thi gồm: Lời chào nông dân, tìm hiểu kiến thức; phần thi tuyên truyền và phần thi hùng biện thực tiễn.
 Phần thi kiến thức tại hội thi 
Thông qua các hình thức sân khấu hóa, múa hát, các đội thi đã giới thiệu được đặc điểm của đơn vị qua các yếu tố như: Lịch sử văn hóa, truyền thống đơn vị, về hoạt động của hội nông dân cơ sở gắn với việc triển khai tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của địa phương cũng như các thành viên trong đội.
Bên cạnh đó là các câu hỏi tình huống về cách giải quyết các mâu thuẫn tại nơi công cộng, cách giải quyết các tình huống phát sinh của cán bộ cơ sở khi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử. Đặc biệt, ở phần thi hùng biện, các thí sinh đã mang đến hội thi những bài hùng biện chất lượng và mang tính tuyên truyền cao. 
Hội thi “Tìm hiểu quy tắc ứng xử nơi công cộng” năm 2019 đã thành công tốt đẹp. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho Hội Nông dân xã Xuân Nộn, giải Nhì cho Hội Nông dân xã Đông Hội, đồng giải Ba cho Hội Nông dân xã Nguyên Khê và Nam Hồng. Đồng thời, trao 2 giải cho đơn vị tổ chức tốt hội thi cấp cơ sở là đơn vị xã Đại Mạch và Nam Hồng. 
Hội thi “Tìm hiểu quy tắc ứng xử nơi công cộng” là sân chơi bổ ích, lành mạnh, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tuyên truyền, vận động, thu hút tập hợp hội viên thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử do UBND TP Hà Nội ban hành. Qua đó từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của người dân tại nơi công cộng; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương và Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.