Đông Anh xây dựng thiết chế văn hóa theo hướng hiện đại

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kiinhtedothi - Ngày 21/12/2019, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đông Anh đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà văn hóa huyện Đông Anh tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Nhà văn hóa huyện Đông Anh được đầu tư xây dựng trên khu đất rộng 6,93ha trên cơ sở mở rộng Trung tâm văn hóa thể dục thể thao hiện trạng của huyện. Đây là công trình tổ hợp mang tính biểu trưng cho văn hóa lịch sử truyền thống của huyện Đông Anh với thiết kế mái công trình chính mô phỏng hình tượng mặt trống đồng Đông Sơn.

Công trình gồm 1 tầng trệt và 4 tầng nổi với tổng diện tích sàn 17.913m2, được thiết kế gồm đầy đủ các hạng mục như: khối quản lý hành chính, khu vực sinh hoạt câu lạc bộ và học tập năng khiếu, âm nhạc...

Nhà văn hóa huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng
Nhà văn hóa huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng

Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) và Công ty CP Xây dựng và Tư vấn ứng dụng công nghệ mới (thuộc HANDICO) là các đơn vị trúng gói thầu thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình. Giá trị gói thầu là 355 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 900 ngày.

Đáng chú ý, mái công trình chính mô phỏng hình tượng mặt trống đồng Đông Sơn, kết hợp sử dụng giải pháp tạo các khối không gian chức năng hình tròn đan xen, lồng vào nhau mô phỏng hình ảnh đặc trưng của các vòng thành Loa Thành - Cổ Loa với lõi trung tâm là rạp hát với 700 chỗ ngồi và khu vực chiếu phim 3D được đầu tư trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà văn hóa huyện Đông Anh là công trình có tính thẩm mỹ cao, kết hợp đồng bộ nhiều loại vật tư, vật liệu, thiết bị chuyên ngành hiện đại: kết cấu bê tông, kết cấu thép, hệ thống âm thanh, ánh sáng, thông gió, điều hòa, phòng cháy, chữa cháy… trên tổng diện tích sàn của dự án là 17.913m2, mật độ xây dựng 32%.

Cùng với nhà văn hóa, sau hơn một năm nghiên cứu, triển khai việc kiểm kê, đánh giá, sắp xếp, sưu tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật, huyện Đông Anh đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà truyền thống và đưa vào sử dụng trên cơ sở nhiều tư liệu, hiện vật của Nhà truyền thống cũ của huyện.

“Đây là công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống, là không gian để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ huyện Đông Anh. Nhà truyền thống mới huyện Đông Anh gồm 4 không gian trưng bày, với 305 hiện vật qua các thời kỳ, trong đó có 224 hiện vật gốc” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám cho hay.

Tại khu Nhà truyền thống huyện Đông Anh, hiện vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử và theo 4 chủ đề, gồm: chủ đề I - Đông Anh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc (từ thời tiền sử đến năm 1858), tập trung giới thiệu đặc điểm nổi bật về vị trí địa lý, mảnh đất, con người Đông Anh.

Chủ đề II - Đông Anh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước từ 1858 đến 1975, giới thiệu về Đông Anh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong đó, nổi bật là các phong trào yêu nước, cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Đông Anh có Chi bộ Cường Nỗ được Thành ủy công nhận là “Chi bộ thép”, có 8 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Chủ đề III - Đông Anh trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển (từ 1975 đến nay), giới thiệu khái quát thành tựu chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là thời kỳ đổi mới hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ đề IV - Bản sắc văn hóa Đông Anh, nêu bật bản sắc văn hóa của Đông Anh, những nét đặc trưng, cơ bản nhất của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đây là phần trưng bày gây ấn tượng sâu sắc nhất tới người xem, đồng thời cũng là kết lại toàn bộ nội dung trưng bày của 4 không gian Nhà truyền thống huyện.