Đóng BHXH 15 năm, xem xét lại mức hưởng lương hưu của người lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 15 năm được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Chuyên gia cho rằng, cần tính đến mức đóng và mức hưởng để không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Thêm nhiều người có cơ hội được hưởng lương hưu

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bản mới nhất quy định, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Điều này tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc không tham gia liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.

Cán bộ BHXH thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội tư vấn các chế độ, chính sách BHXH cho người lao động. Ảnh: Trần Oanh.
Cán bộ BHXH thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội tư vấn các chế độ, chính sách BHXH cho người lao động. Ảnh: Trần Oanh.

Dư luận xã hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để tăng số người được hưởng lương hưu nhưng vẫn có băn khoăn về mức hưởng thấp. Theo Chính phủ, với quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau.

Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu nhận BHXH một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu), nay sẽ có cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng. Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh. Và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH đóng BHYT sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.

Trao đổi về đóng BHXH 15 năm lương hưu khó đảm bảo cuộc sống, ông Cao Tiến Dũng - Phó Giám đốc BHXH thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội cho rằng, BHXH và BHYT là hai trụ cột an sinh của xã hội, thể hiện sự phát triển của đất nước. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, những đối tượng hoạt động ở khu vực phi chính thức như người nông dân, người lao động đang làm nghề tự do có thể yên tâm tham gia BHXH; sau này hết tuổi làm việc, người lao động có lương hưu và BHYT sẽ an tâm hơn. Bởi khi về già sẽ có những điều không mong muốn xảy ra với mọi người như ốm đau, phát sinh chi phí khám chữa bệnh. Lúc đó người già có chế độ hưu trí, BHYT sẽ đỡ gánh nặng cho bản thân và gia đình họ.

Kiến nghị xem xét mức hưởng lương hưu

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định, mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH với lao động nữ; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%. Như vậy, để được hưởng lương hưu tối đa bằng 75% mức đóng thì lao động nam đóng BHXH 35 năm, lao động nữ đóng BHXH 30 năm.

Người lao động tìm hiểu thông tin về BHXH, BHYT khi tham gia thị trường lao động. Ảnh: Trần Oanh.
Người lao động tìm hiểu thông tin về BHXH, BHYT khi tham gia thị trường lao động. Ảnh: Trần Oanh.

Theo đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam, nếu đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm, lao động nữ tới tuổi nghỉ hưu có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng; lao động nam tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH 15 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 33,75% mức đóng.

Vì thế, Công đoàn Dệt May Việt Nam kiến nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và xem xét lại mức hưởng lương hưu đối với lao động nam. Tuổi nghỉ hưu theo quy định cũ đối với nam giới là 60 tuổi, quy định mới 62 tuổi, tức là chỉ tăng 2 tuổi, trong khi lao động nữ tăng 5 tuổi nhưng mức hưởng lương hưu của lao động nam đang bị tính giảm cơ học gây nên sự bất bình đẳng đối với nam giới.

Khi góp ý về quyền của lao động nữ trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng: giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt đối với người lao động; nhưng thời gian tham gia ngắn đồng nghĩa với lương hưu thấp vì nguyên tắc của BHXH là đóng – hưởng.

TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, mục tiêu BHXH toàn dân; giảm thời gian đóng không phải là dành cho lao động trẻ mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển hoặc làm việc gián đoạn có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già. “Tuy nhiên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần tính đến mức đóng và mức hưởng. Nếu như quy định như trong dự thảo luật thì mức lưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp. Vì thế, cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu” – TS Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

 

Theo số liệu thống kê, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc. Và có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian sinh hoạt còn thiếu để hưởng lương.