Đồng hành cùng doanh nghiệp FDI hợp tác chặt chẽ, bền vững

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trước cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI).

Sáng 16/10, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với chủ đề “Đồng hành và phát triển” đã được tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) John Rockhold cho rằng, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội để mở rộng quan hệ thương mại song phương.

Thủ tướng cam kết Chính phủ luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào. Ảnh: VGP
Thủ tướng cam kết Chính phủ luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào. Ảnh: VGP

Đồng thời củng cố cam kết của Mỹ đối với một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường. Đây là thời điểm quan trọng, là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

"Chúng tôi nhận thấy động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương đã tăng lên sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng tới San Francisco, Washington D.C. và thành phố New York. AmCham đang nỗ lực phối hợp với những doanh nghiệp mà đoàn đã gặp trong chuyến thăm để hiện thực hóa những định hướng đầu tư" - ông John Rockhold nói.

Dù đánh giá cao việc cải thiện môi trường kinh doanh, song ông John Rockhold nói rằng quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian.

Điều này làm cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

AmCham sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam xác định, tháo gỡ những nút thắt, đồng thời giúp Chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu; mong muốn Chính phủ tiếp tục cải cách quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo…

Ông Ng Boon Teck - đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam mong muốn Chính phủ tiếp tục có cơ chế tài chính, chính sách thuế, nghiên cứu thành lập điểm kết nối về điện,… giúp doanh nghiệp Sigapore xây dựng những "đường cao tốc" logistics, củng cố chuỗi cung ứng tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, ông Josh Williams - trưởng đại diện Tập đoàn Swire tại Việt Nam (hoạt động hàng không, bất động sản, dịch vụ hàng hải, thương mại và công nghiệp của Anh), nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên. Cũng bởi Việt Nam có tiềm năng, tăng trưởng ấn tượng với dân số trẻ và những chính sách kinh tế hiệu quả.

Ông Josh Williams, bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam và tin vào các chính sách về giảm phát thải để đạt mục tiêu netzero vào năm 2050. Tập đoàn Swire cam kết 100% sản phẩm đóng gói tại Việt Nam có thể tái sử dụng được và sẽ nỗ lực để góp phần vào mục tiêu netzero Việt Nam đặt ra vào năm 2050.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp DEEPC Bruno Jaspert đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam cân nhắc đưa ra chính sách khuyến khích Khu Công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đó; đồng thời áp dụng thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ và sử dụng nguồn thu này để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững...

Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng, kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng sau một vài năm khó khăn; trong đó, các lĩnh vực như số hóa, công nghệ thông tin tăng trưởng vững chắc. Việt Nam cần tập trung vào ngành công nghiệp chế tạo, đổi mới sáng tạo; đồng thời, tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số…

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, kinh tế vĩ mô Việt Nam được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy. Lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm... Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2%. Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động.

Các nhà đầu tư nước ngoài tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Các nhà đầu tư nước ngoài tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.

Tuy nhiên, bà Ngọc nhìn nhận những khó khăn, thách thức tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới. Để hiện thực hóa cơ hội đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đưa các giải pháp như tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ việc tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; triển khai hiệu quả chương trình phục hồi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị điều kiện để thu hút FDI...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 3 cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI trong đó nhấn mạnh: Việt Nam luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích ổn định, lâu dài, bền vững ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật, bảo vệ người làm đúng, tạo hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm: “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.

Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế (như tiếp cận vốn tín dụng, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đất đai, thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải…).

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”, “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, đồng hành và phát triển bền vững, hiệu quả cùng Việt Nam. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam; tất cả cùng thắng, không để ai bị bỏ lại phía sau.