Đồng Nhân dân tệ giảm giá: Hệ lụy tiêu cực toàn cầu

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ngày liên tiếp bị Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBOC) hạ giá, ngày 8/8, tỷ giá Nhân dân tệ (CNY) đổi 1 USD chỉ còn là 7,0039 (lần đầu tiên trong 11 năm CNY vượt mức 7,0). Giá CNY trên thị trường Trung Quốc hiện là 7,0423 CNY/1USD. Trong khi đó, giá trên thị trường quốc tế là 7,0678 CNY/1USD. Về logic, đồng nội tệ yếu có thể xoa dịu tác động từ thuế Mỹ với hàng xuất khẩu Trung Quốc, song cũng làm dấy lên lo ngại chiến tranh tiền tệ có thể bùng phát hoặc khiến Mỹ đáp trả bằng mức thuế cao hơn.

 Ảnh minh họa.

Cú sốc trên thị trường tài chính
Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc phủ định và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đồng CNY nhìn chung vẫn ổn định so với các loại tiền tệ khác, song lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và cũng lần đầu tiên kể từ năm 1994, Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/8 đã chính thức tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ngày 9/8, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cũng khẳng định trên chương trình "Closing Bell" của CNBC rằng: “Rõ ràng Trung Quốc đang thao túng đồng CNY vì mục tiêu thương mại. Họ phá giá CNY hơn 10% để vô hiệu hóa thuế trừng phạt của Mỹ. Nếu họ tiếp tục, chúng tôi sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ. Nông dân Mỹ sẽ được đền bù và không tổn hại vì Trung Quốc. Trung Quốc sẽ chịu gần như toàn bộ thiệt hại vì thao túng tiền tệ và phá giá đồng tiền. Vết thương của Trung Quốc lớn hơn nhiều lần những gì họ tác động đến Mỹ…”.
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 đã tăng 2,8% (trong đó, giá lương thực tăng 9,1%) so với cùng kỳ năm trước đó, so với mức tăng 2,7% trong tháng 6 vừa qua. Chỉ số CPI bình quân 7 tháng của Trung Quốc đã tăng 2,3% so với cùng kỳ, sát với mục tiêu CPI bình quân cả năm 2019 là 3%. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ, trong đó lĩnh vực dầu khí giảm mạnh nhất.
Trong bối cảnh quan ngại về những căng thẳng tiền tệ và thương mại mới Mỹ - Trung nêu trên, nhiều ngân hàng T.Ư các nước như New Zealand, Ấn Độ, Thái Lan… đột ngột thông báo giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, gấp đôi so với mức dự kiến. Thái Lan cũng bất ngờ cắt giảm 25 điểm. Ngân hàng T.Ư Ấn Độ hạ lãi suất 35 điểm một cách khác thường. Riêng Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) thì quyết định giữ nguyên hoặc tiếp tục hạ lãi suất, đồng thời khôi phục chương trình mua lại trái phiếu để kích thích nền kinh tế.
Ngay sau đó, giá vàng thế giới lập đỉnh mới sau khi đồng CNY yếu đi. Trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe, giá vàng giao ngay ngày 8/8 tăng lên mức 1.503,17 USD/ounce sau khi đã vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 5/2013.
Cú sốc cũng được ghi nhận trên thị trường tài chính toàn cầu, với hàng loạt thị trường chứng khoán lao dốc. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống đáy 3 năm, do nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu để trú ẩn; còn chỉ số DJIA (chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones) có thời điểm mất tới 961 điểm, giảm 2,9% - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019; chỉ số S&P 500 có phiên giảm thứ 6 liên tiếp, mất gần 3%. Còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2018. Tuần trước đó, cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều có tuần tệ nhất năm. Apple, Intel, Microsoft, Nvidia và AMD là các mã mất điểm mạnh nhất.
Theo cựu Thư ký Bộ Tài chính và cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Lawrence Summers, tại Mỹ, rủi ro suy thoái cao hơn nhiều so với mức cần thiết và cao hơn so với hai tháng trước. Thị trường chứng khoán châu Á trước đó cũng lao dốc: Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) mất 1,74%, Shanghai Composite giảm 1,62% và Hang Seng (Hong Kong) xuống 2,9%. Tại châu Âu, FTSE 100 (Anh) chốt phiên đầu tuần giảm 2,5%. DAX (Đức) và CAC 40 (Pháp) giảm lần lượt 1,8% và 2,2%.
Tăng trưởng toàn cầu giảm
Trong Báo cáo đánh giá thường niên về nền kinh tế Trung Quốc hôm 9/8, IMF nhận định đồng CNY yếu hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh về giá cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc so với các đối thủ nước ngoài khác. Đồng thời, đồng tiền yếu đi còn có thể giúp các hãng xuất khẩu Trung Quốc vượt qua thách thức từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Với mức thuế 25% lên hàng Trung Quốc, việc đồng CNY yếu đi 10%, tiền thuế sẽ giảm đáng kể. Như vậy, tác động thực sự của thuế nhập khẩu sẽ không còn nhiều. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải chấp nhận rủi ro không nhỏ với đơn thuốc giảm giá nội tệ.
Thực tế 4 năm trước, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc cũng từng mạnh tay hạ giá đồng CNY. Chỉ trong một năm, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế, 680 tỷ USD đã rời Trung Quốc. Đây là dòng vốn mà kinh tế Trung Quốc đang rất cần. Trung Quốc đã phải dùng đến hơn 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kéo giá Nhân dân tệ lên và thắt chặt kiểm soát hệ thống tài chính, chặn lại rất nhiều kênh từng được sử dụng để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, tiền tệ yếu sẽ khiến người Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm. Núi nợ bằng đồng USD của các DN nước này sẽ trở nên nặng nề hơn. Giá các mặt hàng toàn cầu niêm yết bằng USD như dầu mỏ cũng sẽ đắt đỏ lên.
Việc đồng CNY giảm giá và vàng thế giới tăng giá cũng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thị trường tài chính Việt Nam. Áp lực tỷ giá trung tâm tăng nhẹ. Đặc biệt, đồng CNY giảm giá, mặc dù giúp nhẹ bớt áp lực trả nợ bằng đồng tiền này, cải thiện giá nhập khẩu từ Trung Quốc, song sẽ làm tăng áp lực nhập siêu từ Trung Quốc, đồng thời cũng gây thiệt hại trực tiếp cho những cá nhân, DN Việt đã và đang chấp nhận thanh toán giao dịch hàng hóa qua biên giới với đối tác Trung Quốc bằng đồng CNY, trong khi thiếu chủ động và thành thục sử dụng linh hoạt các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Về triển vọng, theo Morgan Stanley dự đoán, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 - 6 tháng và nước này đáp trả, thì khả năng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm khoảng 0,75% điểm so với mức dự báo tăng trưởng cả năm hiện chỉ khoảng 3,2%... Các ngân hàng T.Ư có thể sẽ cắt giảm lãi suất và tiếp tục nới lỏng định lượng. Các điều kiện tài chính cũng bị thắt chặt nhưng điều đó có thể không còn đủ để vực dậy đầu tư. Sự suy yếu trong sản xuất sẽ lan sang dịch vụ. Thất nghiệp sẽ gia tăng và người tiêu dùng sẽ nản lòng. Quy mô giao dịch thương mại toàn cầu sẽ ở mức thấp nhất 10 năm qua…
Đặc biệt, cuộc chiến tiền tệ thế giới mới thực sự gây nhiều hệ lụy tiêu cực toàn cầu nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục đà tụt dốc không phanh!

Sáng 13/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD ở mức 23.111 đồng/USD, tăng mạnh 11 đồng so với mức công bố hôm 12/8, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp hạ tỷ giá trung tâm. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.418 VND/USD và tỷ giá trần là 23.804 VND/USD.

Giá vàng thế giới và trong nước ngày 13/8 quay đầu tăng nhanh trở lại, nguyên nhân do bất ổn leo thang tại Hong Kong, căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu suy giảm và quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản trở nên xấu hơn. Lúc 9 giờ sáng 13/8, (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng thẳng đứng ở mức 1.520 USD/ounce, tăng gần 15 USD/ounce so với ngày trước đó. Giá vàng SJC tại Hà Nội được công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức: 41,75 – 42,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, giá vàng SJC vượt ngưỡng 42 triệu đồng/lượng. (Thảo Nguyên)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần