Đồng USD chạm đỉnh hơn 1 năm, lira Thổ Nhĩ Kỳ sụt giá không phanh vì căng thẳng với Mỹ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 11/8, đồng USD tiếp tục tăng so với euro và bảng Anh, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 18% so với USD do bất đồng thương mại với Mỹ leo thang.

Tỷ giá USD trong ngày 11/8 (giờ Việt Nam) giảm so với yen Nhật nhưng tăng mạnh so với euro và bảng Anh trong phiên giao dịch sớm tại châu Á. Giá euro giảm xuống thấp nhất trong hơn 1 năm so với đồng USD khi giá lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc, kích hoạt tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tiền tệ.
Chỉ số Dollar Index, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, tăng 0,85% lên 96,309 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2017.
Đồng bạc xanh nhận được sự hỗ trợ tiếp tục leo dốc nhờ số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% trong tháng trước. Trong khi đó, “CPI lõi” đạt 2,4% trong tháng 7, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2008, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tháng 9 tới.
 Đồng USD chạm đỉnh hơn 1 năm, lira Thổ Nhĩ Kỳ sụt giá không phanh vì căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, tỷ giá USD giảm 0,23% so với yen Nhật xuống 110,91 yen. Trong phiên này, đồng yen, được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, có thời điểm lên tới 113,38 yen, mức cao nhất 1 tháng so với USD.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc giảm 20% xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng gấp đôi thuế kim loại với Thổ Nhĩ Kỳ. Chốt phiên 11/8, đồng tiền này giao dịch giảm 15% so với USD.
Động thái của Tổng thống Mỹ xuất hiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu công dân “đổi đồng euro, USD và vàng mà bạn đang giữ dưới gối thành đồng LIRA”, lưu ý đây là “cuộc đấu tranh quốc gia”.

“Việc đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc mạnh có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng châu Âu “và có thể gây ra hiệu ứng “domino” trên khắp châu Âu khi các nhà đầu tư bắt đầu rút vốn khỏi khu vực này, chuyển sang ngân hàng tại Mỹ. Đó là lý do tại sao xảy ra hiện tượng đồng USD tăng đột biến”, Gregan Anderson, nhà chiến lược kinh tế vĩ mô tại công ty môi giới Bulltick LLC cho biết.

Tỷ giá đồng lira mới đây đã xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và đồng euro trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Kể từ đầu năm đến nay giá trị của đồng lira so với đồng USD đã giảm 37%, mặc dù đã có những lúc giá đồng tiền này tăng trở lại
Alec Young, Giám đốc điều hành nghiên cứu thị trường toàn cầu tại FTSE cho biết: “Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm mạnh vì nhiều lý do, đáng chú ý nhất là việc ngân hàng trung ương từ chối tăng lãi suất để hỗ trợ đồng tiền cũng như một sự gia tăng gần đây trong các lệnh cấm vận của Mỹ. Suy yếu tiền tệ đang thúc đẩy lạm phát và khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả món nợ lớn bằng ngoại tệ”.
Trong khi đó, tỷ giá euro so với đồng USD giảm 0,99% xuống 1,1413 USD. Tỷ giá euro giảm xuống thấp nhất so với đồng USD trong hơn 1 năm khi giá lira Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc kích hoạt tâm lý ngại rủi ro trên thị trường và nhà đầu tư lo ngại về hiệu ứng dây chuyền lên các ngân hàng châu Âu.
Giá euro rơi ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1,15 USD xuống 1,1414 USD, giảm 0,97% trong ngày và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. So với yen Nhật, giá euro giảm 1,35% còn 126,30 yen, thấp nhất trong hơn 2 tháng.
Giá euro lao dốc sau khi Financial Times đưa tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) bày tỏ lo ngại về các ngân hàng Tây Ban Nha, Italia và Pháp, cũng như khả năng các ngân hàng này bị ảnh hưởng dây chuyền trong căng thẳng liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả hai đồng lira và euro giảm giá mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết đã yêu cầu tăng gấp đôi mức thuế áp lên nhôm, thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong phiên giao dịch này, tỷ giá đồng bảng Anh giảm 0,51% xuống 1,2758 USD. Giá bảng Anh lao dốc và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017 khi đồng USD mạnh lên và thị trường vẫn lo ngại khả năng nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận thương mại nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần