Đống Vũ giữ nghề mây tre đan

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Đống Vũ, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa có nghề mây tre đan (MTĐ) truyền thống đã hàng trăm năm nay.

Với việc chủ động nâng cao chất lượng và thường xuyên cải tiến mẫu mã sản phẩm đã giúp cho làng nghề vượt qua những biến động của thị trường và phát triển ổn định tới ngày nay.

Ngồi nhà cũng có tiền

Trước đây, Đống Vũ chuyên sản xuất các loại dần, sàng phục vụ sinh hoạt của người dân. Cùng với thời gian, nghề MTĐ ở Đống Vũ cũng có lúc thịnh, lúc suy. Nhưng dù thịnh hay suy thì ở Đống Vũ chưa bao giờ vắng người chẻ nan, đan lát. Trong nhà, ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy người đan lát. Dọc đường làng, ngõ xóm phơi la liệt những bó tre đã được pha chẻ đều tăm tắp.

Trong gian tạp hóa của gia đình, bà Nguyễn Thị Liên, thôn Đống Vũ vừa trông hàng vừa tranh thủ đan những tấm mê bằng nan tre. Bà Liên kể, bà làm nghề MTĐ đã hơn 40 năm nay. Vào cuối những năm 90 là thời điểm hưng thịnh nhất của làng nghề. Lúc đó gần như cả làng, cả xã nhà nào cũng làm MTĐ, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí nhiều hôm chỉ dám ngủ 2 – 3 tiếng/ngày để làm hàng kịp giao cho khách. Lúc đó gia đình bà Liên có 4 lao động làm MTĐ, nhưng thu nhập mỗi ngày cũng được trên 400.000 đồng. Nói rồi bà Liên chỉ lên ngôi nhà ba tầng khang trang của gia đình cho biết, đây chính là thành quả của nghề MTĐ mang lại. Ở thôn Đống Vũ, không chỉ nhà bà Liên mà rất nhiều nhà cũng xây dựng được cơ ngơi khang trang nhờ làm nghề MTĐ.

Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Đống Vũ, Trường Thịnh đang đan nan tại gia đình. Ảnh: Nguyễn Nga

Ngày nay, nền kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ tới làng nghề MTĐ. Khách hàng đến với làng nghề giảm dần, đồng nghĩa với thu nhập của lao động cũng giảm theo. Hiện nay, MTĐ không phải là nghề mang lại thu nhập chính của làng nhưng là nghề góp phần tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương như người già, học sinh, người mất sức lao động... Ngoài ra, một số công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp vẫn có thể làm nghề vào những lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Theo bà Liên, nghề MTĐ tuy thu nhập không cao như trước đây, nhưng phù hợp với mọi lứa tuổi và đặc biệt có thể làm thêm vào những lúc nông nhàn. "Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, người làm nghề MTĐ ngồi ở nhà vẫn có thu nhập trung bình từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày, tùy vào tay nghề " - bà Liên nói.

Kiên trì giữ nghề

Để duy trì và phát triển nghề MTĐ, người làm nghề không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngày nay, ngoài làm những sản phẩm truyền thống, người làng Đống Vũ còn làm theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các hộ làm nghề thường xuyên đưa hàng tham gia các hội chợ để tìm kiếm khách hàng.

Sản phẩm của địa phương, ngoài bán ở trong nước còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu ở một số nước như Nhật, Pháp, Trung Quốc... Doanh thu mỗi năm của làng nghề lên tới gần 100 tỷ đồng. Hoạt động của làng nghề đã có sự phân công, chuyên môn hóa công việc rõ ràng. Người dân trong làng chủ yếu nhận làm sản phẩm thô tại gia đình, sau đó được các DN đứng ra thu gom về sơ chế hoàn thiện. Nhờ vậy mà hiệu quả công việc cao hơn, chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo yêu cầu để giao cho đối tác nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thịnh Cao Văn Bảo cho biết, toàn xã có 6 thôn thì có 4 thôn làm nghề MTĐ. Trong đó, Đống Vũ là thôn phát triển nghề MTĐ mạnh và ổn định nhất. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề chưa hẳn đã hết khó khăn. Lao động chính tham gia vào làng nghề chủ yếu là người già, trẻ em và người hết tuổi lao động. Vì vậy chất lượng và số lượng sản phẩm không đồng đều, không đảm bảo đối với những đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ khiến cho thu nhập của người dân ngày càng thấp hơn. Để tháo gỡ khó khăn, rất mong các cấp, ngành có những giải pháp hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để làng nghề có được nguồn lực mới, ổn định và phát triển.