Đột phá phát triển đô thị tại quận Hoàng Mai

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàng Mai có dân số trên 500 nghìn người, đông nhất trong 30 quận, huyện Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa nhanh thì sức ép hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang đè nặng lên vai các nhà quản lý. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có quyết định mang tính đột phá...

Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát, điểm đột phá chỉnh trang đô thị tại Hoàng Mai. Ảnh HM
Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát, điểm đột phá chỉnh trang đô thị tại Hoàng Mai. Ảnh HM

Theo tính toán, sau 20 năm thành lập, tại quận Hoàng Mai đã có hàng loạt chung cư cao tầng, khu đô thị mới được xây dựng khiến sức ép rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Phát triển nóng nhất phải kể đến phường Hoàng Liệt với 85 chung cư, dân số trên 92 nghìn người. Theo số liệu thống kê, trước khi chuyển lên phường, xã Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ, với gần 7.000 người thì nay dân số đã tăng hơn 10 lần.

Điểm ''nóng'' của Hà Nội

Chỉ tính riêng 12 tòa chung cư HH cao từ 36 đến 41 tầng nằm ở lô đất CC6, ngay cạnh hồ Linh Đàm đã có hơn 7.000 căn hộ, khoảng 30 nghìn người sinh sống, trở thành một trong những cụm dân cư có mật độ dân số cao nhất cả nước. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho quận Hoàng Mai trở thành điểm ''nóng'' do sự thiếu đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội.

Thiếu bãi đỗ xe, trường học, cơ sở y tế… đã và đang là những vấn đề nóng của Hoàng Mai liên tục được các cử tri chất vấn trong các kỳ họp HĐND lẫn tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Câu chuyện bố mẹ phải “bốc thăm” để con được vào học mầm non Hoàng Liệt là đề tài tốn nhiều giấy mực của báo chí và mạng xã hội thời gian qua.

Một góc hồ Linh Đàm.
Một góc hồ Linh Đàm.

Đại tá Nguyễn Hòa Văn - nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị, Tổng biên tập Báo Biên phòng chia sẻ: “Chúng ta đang phải trả giá cho việc phát triển nóng đô thị, bộc lộ nhiều thiếu sót trong khâu quản lý quy hoạch. Không đâu xa, tháng 9/2014, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo chỉnh trang làng Linh Đàm, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).

Theo đó, quanh hồ Linh Đàm sẽ xây dựng một tuyến đường rộng 13,5m đấu nối với đường gom của đường Vành đai 3 và đường phân khu vực ở phía Nam. Tuy nhiên, nơi được quy hoạch để làm đường giao thông đến nay vẫn để cỏ dại mọc, trở thành khu vực tụ tập không ít các loại tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Điều quan trọng là tiến độ đã chậm gần 20 năm nhưng vẫn không biết bao giờ con đường này mới được thi công”.

Mới đây, một nhà văn Hà Nội nổi tiếng đang sống tại phường Thanh Trì đã bộc bạch: “Năm 2001, tôi mua đất, rồi xây nhà trong một khu dân cư tại xã Lĩnh Nam, khi đó còn thuộc huyện Thanh Trì. Đường Lĩnh Nam dài 4 km, lúc bấy giờ còn rất thưa người qua lại, ít xe ô tô, vì thế, dù con đường vừa bé vừa nhiều nút thắt, vừa dày đặc ổ gà ổ vịt, việc giao thông chưa có vấn đề gì.

Nhưng gần 20 năm sau, tất cả vẫn tiếp tục ở thì tương lai. Cầu Thanh Trì khánh thành (tháng 1/2007) đã hơn chục năm, kéo theo một lượng lớn xe tải chọn đường Lĩnh Nam để vào nội đô hoặc từ nội đô hướng ra ngoại thành khiến nó trở nên quá tải, được gọi vui là “con đường đau khổ”, dù chỉ cách Bờ Hồ chưa đầy 6km”.

Tuyến đường Lĩnh Nam (phường Vĩnh Hưng), nhất là ngã tư dốc Thúy Lĩnh - Lĩnh Nam luôn là một điểm nóng về ùn tắc giao thông mà phần lớn các bản tin giờ cao điểm của VOV Giao thông đều phản ánh xuyên suốt nhiều năm qua. Đến nay, sau 20 năm thành lập quận Hoàng Mai chỉ mới đạt 20% chuẩn giao thông các quận nội thành (tiêu chuẩn là 10km đường giao thông/km2). Quá bất ngờ.

Trường THCS chất lượng cao Hoàng Mai là cơ sở giáo dục mới được đầu tư khang trang, hiện đại - điểm sáng giáo dục Hoàng Mai. Ảnh HM
Trường THCS chất lượng cao Hoàng Mai là cơ sở giáo dục mới được đầu tư khang trang, hiện đại - điểm sáng giáo dục Hoàng Mai. Ảnh HM

65 bãi xe chưa có nhà đầu tư

Không chỉ giao thông mà vấn đề bãi đỗ xe cũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở phường” tại Hoàng Mai. UBND quận Hoàng Mai cho biết, theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị được duyệt, trên địa bàn quận có 94 ô quy hoạch có chức năng bãi đỗ xe và kết hợp một phần là bãi đỗ xe. Đến nay, ngoài các ô đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc đang triển khai đầu tư bãi đỗ xe, còn 65 ô chưa có nhà đầu tư.

Việc còn tới 65 ô quy hoạch bãi đỗ xe chưa có nhà đầu tư đang được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đỗ xe tràn lan trên địa bàn quận Hoàng Mai. Căng thẳng nhất phải kể đến phường Hoàng Liệt, phường Đại Kim (53 nghìn dân), phường Định Công (48 nghìn dân)…

Bà Bùi Thị Kim Khuê - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết: “Tháng nào công an, dân phòng cũng ra quân lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị, anh em làm quyết liệt lắm nhưng nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, xây dựng bãi đỗ xe thì khó lòng thực hiện tốt theo yêu cầu”. Đó là sự thật và thực tế đã kéo dài gần 10 năm nay chưa có lời giải thỏa đáng cho nhu cầu của người dân.

Điều đáng nói là trong khi nhu cầu có thực, đất quy hoạch đã có nhưng không hiểu vì lý do gì các nhà đầu tư lại chỉ quan tâm đến xây nhà bán lấy tiền, không làm tròn trách nhiệm với cư dân. Gần 2 thập kỷ nay, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 7 ô quy hoạch bãi đỗ xe do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý nhưng chưa thực hiện đầu tư.

Mới đây, UBND quận Hoàng Mai đã có Văn bản số 1775/UBND-QLĐT ngày 19/7/2022 báo cáo UBND TP Hà Nội về việc bàn giao một số ô đất HUD chậm triển khai cho UBND quận Hoàng Mai quản lý và thực hiện đầu tư.

Liên quan đến công tác quản lý bãi đỗ xe, UBND quận Hoàng Mai cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBND quận đã cấp mới 6 điểm và gia hạn giấy phép đối với 15 điểm trông giữ phương tiện tạm thời trên địa bàn; kiểm tra, xử lý, giải tỏa 59 điểm trông giữ phương tiện không phép trên địa bàn. Trước mắt, quận rà soát các tuyến đường, các khu đất công phù hợp theo quy định để cấp phép tạm thời điểm trông giữ phương tiện.

Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn qua Hoàng Mai. Ảnh Phạm Hùng.
Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn qua Hoàng Mai. Ảnh Phạm Hùng.

Quyết định mang tính đột phá của Thành phố

Những khó khăn, vướng mắc của quận Hoàng Mai đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội nhìn nhận và sớm có các chỉ đạo giải quyết. Đích thân lãnh đạo cao nhất Thành phố đã làm việc với các sở, ban ngành, quận Hoàng Mai và các chủ đầu tư để tháo gỡ những nút thắt trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã có chỉ đạo quyết liệt đến bên liên quan để từng bước giải quyết các tồn đọng xuất hiện trong 2 thập kỷ qua.

Tin vui cho người dân Hoàng Mai, ngày 2/2/2023, UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát và bãi đỗ xe. Dự án có diện tích quy hoạch khoảng 8,03 ha, trong đó diện tích đất đường giao thông thành phố là 1,97 ha; còn lại diện tích đất nghiên cứu dự án 6,06 ha.

Dự án nhằm hình thành mô hình xây dựng bãi đỗ xe kết hợp chức năng trung tâm thương mại, văn phòng và nhà kho hiện đại, kết nối đồng bộ, khoa học, ứng dụng công nghệ cao, cao 10 tầng, diện tích sàn xây dựng lên đến 260 ngàn m2.

Tại đây sẽ có bãi đỗ xe hiện đại áp dụng công nghệ đỗ xe tự động đáp ứng nhu cầu tối thiểu khoảng 4.000 chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy) phục vụ cộng đồng và khách vãng lai. Những con số đã nói lên quy mô và giá trị xã hội của dự án này mang lại.

Mặt khác, Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát sẽ khớp nối hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc cảnh quan với khu vực xung quanh và khu vực nhà ga Giáp Bát theo mô hình TOD gắn kết chặt chẽ với tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến đường sắt quốc gia, tuyến Monorail M2; đảm bảo không phá vỡ cấu trúc, định hướng phát triển không gian đô thị, phù hợp với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.

Người dân Hoàng Mai kỳ vọng Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát cùng với dự án đường Vành đai 2,5, dự án tuyến đường Lĩnh Nam… sẽ là những dự án trọng điểm, mang tính đột phá để cải thiện bộ mặt của địa phương, giúp Hoàng Mai phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.