Đột phá về hạ tầng giao thông

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), nhiều công trình quan trọng dần được hiện thực hóa, mang đến kỳ vọng rất lớn góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TP.

Năm 2023 sẽ là năm Hà Nội phải tập trung hành động mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiếp tục đưa thêm nhiều dự án từ trên giấy ra thực địa.

Ưu tiên dự án giao thông khung

Hạ tầng giao thông khung của Hà Nội bao gồm những tuyến đường vành đai, đường trục hướng tâm, liên khu vực; các đầu mối chính của giao thông tĩnh và đường sắt đô thị, có vai trò định hình toàn bộ hệ thống KCHTGT của TP.

Tàu chạy thử nghiệm tại Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tàu chạy thử nghiệm tại Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ví dụ như các tuyến vành đai: 2; 2,5; 3; 3,5; 4 và 5 - được coi là những hợp phần tối quan trọng, đáp ứng nhu cầu lưu thông cả trong nội bộ lẫn quá cảnh khu vực Hà Nội. Đường sắt đô thị (ĐSĐT) cũng được coi là một hợp phần của giao thông khung vì nó đi kèm cả một hệ thống hạ tầng, tín hiệu riêng; khối lượng trung chuyển trên mỗi chuyến lớn gấp hàng trăm lần xe buýt.

Nhiều năm qua, hàng loạt dự án giao thông khung của Hà Nội phải nằm im trên bản đồ quy hoạch, trong khi áp lực giao thông gia tăng nhanh chóng, quá sức chịu đựng của hệ thống KCHTGT hiện có. Một số dự án đã triển khai xây dựng thì vướng mắc do nhiều nguyên nhân, có thời điểm phải “đắp chiếu” như Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1; tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; hầm chui Kim Đồng; Quốc lộ 1 cũ; Quốc lộ 6…

Nhưng trong năm 2022, Hà Nội đã thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ, đồng lòng trên dưới, từ Thành ủy, HĐND, UBND TP, các sở, ban, ngành cho đến người dân để tháo gỡ hàng loạt khó khăn, tồn tại cho nhiều dự án KCHTGT khung quan trọng.

Trong đó dự án có ý nghĩa đặc biệt nhất là Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là dự án mang nhiều tâm huyết, quyết liệt nhất của hệ thống chính trị từ TP đến T.Ư. Chưa từng có một dự án giao thông nào được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm sát sao, tỉ mỉ và hậu thuẫn lớn như Vành đai 4. Đây vốn dược xem là con đường chiến lược giảm tải cho Vành đai 3, kết nối Hà Nội với Vùng Thủ đô và cả nước, kỳ vọng sẽ mang đến nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phục vụ đắc lực cho các mục đích an ninh, quốc phòng, văn hóa.

Cùng với đó, vướng mắc kéo dài nhiều năm của hàng loạt dự án đã và đang bị bỏ lại phía sau dưới bàn tay chèo lái của chính quyền TP, sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương liên quan. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đã khởi công, các hợp phần còn lại của Quốc lộ 1 cũ đang được triển khai; tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc về mặt bằng, chuẩn bị đưa vào vận hành đoạn tuyến trên cao.

Bước sang năm 2023, việc đầu tư xây dựng KCHTGT khung cần tiếp tục được Hà Nội quan tâm hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện cả hệ thống giao thông. Đặc biệt các dự án đã được khơi thông bế tắc không thể chủ quan, buông lỏng, phải duy trì quyết tâm và sự tập trung cao nhất để tranh thủ thời cơ, sớm hoàn thiện.

Các chủ đầu tư, nhà thầu tại mỗi dự án giao thông cần có tinh thần mạnh mẽ, đột phá như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thể hiện tại lễ khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La – Xuân Mai. Chủ tịch UBND TP không tự hài lòng với mục tiêu đảm bảo tiến độ (hoàn thành vào năm 2027) và yêu cầu phải rút ngắn thời gian thực hiện dự án, vượt tiến độ hoàn thành công trình (vào năm 2026). Đó phải là tinh thần chủ đạo của Hà Nội trong đầu tư, thực hiện các dự án KCHTGT khung trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành

Song hành phát triển đường đô thị

Song song với việc đầu tư hệ thống KCHTGT khung, Hà Nội đã dành nhiều công sức, nguồn lực cho các dự án đường đô thị, liên khu vực, đường kết nối giữa các vành đai, cao tốc và quốc lộ. Những dự án có vai trò đặc biệt quan trọng như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… đang băng băng về đích, trong năm 2023 này sẽ trở thành trợ lực cho giao thông Thủ đô.

Hàng loạt dự án bế tắc nhiều năm như: Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); đường nối Nguyễn Xiển - Xa La; đường nối Lê Trọng Tấn - Nguyễn Trãi… đã tìm ra cách khắc phục khi lãnh đạo TP Hà Nội lắng nghe, rà soát đưa ra những giải pháp rất cụ thể, đôn đốc thực hiện ngay. Với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng BT) đang vướng mắc sẽ được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách. Những nút thắt về giải phóng mặt bằng được chỉ đạo giải quyết dứt điểm để dự án tiếp tục triển khai, quy trách nhiệm rõ ràng cho các địa phương nếu không đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng.

Nhiều dự án đường đô thị từ trên giấy đã bắt đầu hiện diện tại thực địa như cải tạo nâng cấp tuyến Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, tăng cường khả năng kết nối của tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội; nối dài Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…

Đặc biệt, một số dự án có kết nối chặt chẽ với tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được phê duyệt, chuẩn bị thủ tục đầu tư. Các cầu vượt sông Hồng nằm trên tuyến Vành đai 4 (Hồng Hà, Mễ Sở) lọt vào danh sách ưu tiên chuẩn bị triển khai. Điều đó cho thấy Hà Nội đã thay đổi rất nhiều trong tư duy phát triển KCHTGT, không chỉ tập trung nguồn lực cho các dự án lớn như trước đây, mà song hành đầu tư cả đường trục chính lẫn đường ngang kết nối để khi hoàn thiện sẽ ngay lập tức đồng bộ hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả về giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư nhiều dự án trong cùng một giai đoạn cũng mang đến những áp lực vô cùng lớn cho chính quyền TP cũng như các đơn vị, địa phương liên quan.

Đặc biệt với các dự án đường đô thị đi qua những khu vực đông dân cư, lưu lượng giao thông lớn, vừa phải thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, vừa phải giải quyết bài toán lưu thông, đối diện với áp lực dư luận, sẽ càng nhiều thách thức, khó khăn. Áp lực đó chỉ được giải quyết khi lãnh đạo Thành ủy, UBND TP duy trì sự quan tâm, đôn đốc quyết liệt đối với từng dự án, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo của từng tổ chức, cá nhân.

 

Năm 2022, Hà Nội đã có những dấu ấn đặc biệt đầu tiên trong lĩnh vực giao thông khi Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trực tiếp tháo gỡ vướng mắc kéo dài nhiều năm cho dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội chỉ trong 2 tháng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu rút ngắn một năm tiến độ dự án trọng điểm mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 6. Những dấu ấn đặc biệt đó chính là nguồn lực mạnh mẽ Hà Nội cần để duy trì phong độ trong năm 2023 và nhiều năm sau nữa.