Dự án Bến xe Yên Sở: Tiền đề giải tỏa ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Nam

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đầu tư dự án bến xe Yên Sở cho biết, đã cam kết với TP Hà Nội sẽ xây dựng một bến xe với “chuẩn sân bay”, hiện đại, ưu việt nhất cả nước. Dự án sẽ góp phần thay đổi quan niệm của người dân về bến xe - một trong những nơi vẫn bị xem là phức tạp và xô bồ.

Bài 2: Xây bến xe có “chuẩn sân bay”
Mô hình sân bay
Chủ đầu tư dự án - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Thanh Trì Tô Mạnh Hùng cho biết, mô hình kiến trúc của bến xe Yên Sở đã trải qua 5 vòng thẩm định của các cơ quan chức năng TP. “Mục tiêu Thành ủy, UBND TP Hà Nội đặt ra cho chúng tôi là phải xây dựng một bến xe hiện đại, cung cấp dịch vụ ưu việt nhất từ trước tới nay với giá cả không vượt quá các quy định chung hiện có” - ông Hùng chia sẻ.
 Ùn tắc giao thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn gần Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo thiết kế được duyệt, bến xe Yên Sở sẽ có 4 tầng, (3 nổi, 1 ngầm). Trong đó, tầng ngầm rộng khoảng 5.000m2 được dùng làm gara trông giữ xe cho hành khách. Các khu vực: Trả khách; đón khách; xe đỗ chờ; phòng chờ lên xe; bán vé;… sẽ được thiết lập riêng biệt như tại các sân bay. Hành khách xuống xe sẽ đi theo đường hầm, dùng thang máy lên sảnh chính chứ không được đi lại trên bề mặt lưu thông để đảm bảo an toàn và tránh cản trở các phương tiện. Bên trong sảnh chính, khu vực bán vé phòng chờ cho khách sẽ được trang bị wifi, sạc pin miễn phí, điều hòa không khí… Khu vực từ phòng chờ (dành cho hành khách đã mua vé) ra sân đón sẽ có 45 cửa tự động; các khu vực dành cho taxi, xe buýt cũng được sắp xếp và có lối đi riêng.

Kết nối thuận tiện

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, các hướng kết nối với bến xe Yên Sở đã được tính toán kỹ. Từ các khu vực của Hà Nội sẽ có khoảng 40 tuyến xe buýt kết nối đến bến xe Yên Sở, chưa kể các tuyến đi qua, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiếp cận của người dân. Mặt khác, trong tương lai gần, khi 2 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm được chuyển đổi thành điểm trung chuyển xe buýt, hành khách từ bến Yên Sở chỉ cần mất khoảng 10 phút sẽ đến được đó. Từ các trung tâm này, sẽ có thêm hàng chục tuyến buýt khác đưa khách đi khắp nơi trong TP. Ông Tô Mạnh Hùng thông tin: “Trong bến xe Yên Sở cũng bố trí sảnh chờ và cổng ra vào riêng cho xe taxi. Dịch vụ taxi sẽ được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh những hiện tượng như taxi “dù”, chặt chém hành khách…”.

"Sẽ không có một ki ốt bán hàng nào xuất hiện trong bến xe; toàn bộ khu vực dành cho lái xe và phương tiện sẽ tách biệt, đảm bảo không phát sinh hiện tượng chèo kéo, chào mời, gây khó chịu, bất an cho hành khách. Chúng tôi tin sẽ thay đổi hẳn hình ảnh của một bến xe trong quan niệm của người dân." - Chủ đầu tư dự án - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Thanh Trì Tô Mạnh Hùng

Cửa ngõ phía Nam Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh; là điểm tập trung đầu mối nhiều tuyến đường huyết mạch. Trong đó đáng kể nhất là: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1 cũ; QL5; Cầu Thanh Trì… Bến xe Yên Sở có lợi thế rất thuận tiện để tiếp cận tất cả các tuyến đường này. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, phương án điều tiết nhằm đồng bộ giao thông trong khu vực cũng đã được tính toán, chuẩn bị đầy đủ. Các tuyến xe khách liên tỉnh đi - đến bến xe Yên Sở sẽ được chia làm 2 hướng chính. Một hướng qua cầu Thanh Trì sẽ tách đôi đi theo QL5 hoặc qua cầu Đông Trù; một hướng theo cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tất cả các tuyến xe khách liên tỉnh đi Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An… đều có thể điều chuyển về đây, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh cho DN vận tải, vừa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho người dân.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần