Dự án Đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II: Chậm vì vướng giải phóng mặt bằng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II (Dự án) tại huyện Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2011, là một trong các dự án môi trường cấp bách của TP.

Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai đến nay, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành do “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Một dự án, 2 chính sách đền bù

Nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp và xử lý chất thải rắn cho toàn TP trong giai đoạn 2012 - 2030, đặc biệt trong điều kiện khả năng tiếp nhận rác của Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn I không còn, Hà Nội đã quyết định mở rộng xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II. Theo đó, tổng diện tích đất cần thu hồi phục vụ Dự án là 73,73ha thuộc 3 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn. Kể từ khi Dự án được TP phê duyệt, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền huyện Sóc Sơn tập trung triển khai phương án đền bù, hỗ trợ GPMB. Đến cuối năm 2014, hoàn thành GPMB phần diện tích 36,26ha thuộc 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn. Trong khi đó, phần diện tích còn lại là 37,47ha thuộc xã Bắc Sơn, hơn 3 năm qua mới hoàn thành 22,8ha đất nông nghiệp, còn lại hơn 14,6ha đất thổ cư vẫn chưa thể hoàn tất công tác GPMB. Nguyên nhân là do người dân thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn có đất nằm trong phạm vi Dự án chưa đồng tình với chính sách đền bù, hỗ trợ do cơ quan chức năng đưa ra.

Nhiều hộ gia đình tại xã Bắc Sơn mặc dù đã di chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng do chưa đồng tình với chính sách đền bù, hỗ trợ nên vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho dự án. Ảnh: Vũ Cúc

Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Nguyễn Hữu Hoa cho biết, chủ trương mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II trên địa bàn xã nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xảy ra bất cập trong việc áp dụng chính sách hiện hành đối với công tác GPMB. Theo lập luận của người dân, dù trên cùng một Dự án, song các hộ dân tại hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn được hưởng hạn mức đền bù là 1.200m2 đất ở. Trong khi, tại xã Bắc Sơn chỉ được công nhận 400m2 đất ở. Do đó đến nay, người dân vẫn kiến nghị được giải quyết hạn mức đất ở đối với các hộ có thời điểm sử dụng đất trước ngày 18/12/1990, bổ sung suất tái định cư đối với những hộ chia tách nhưng chưa làm thủ tục. Đồng thời, chi trả 100% chi phí xây dựng các công trình nhà dân, thay vì chỉ được hỗ trợ 10%.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, cụm 7, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn cho rằng, quá trình triển khai Dự án, các cơ quan chức năng đã phổ biến đầy đủ các văn bản, chính sách, tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân nhưng các kiến nghị vẫn chưa có kết quả. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để TP chấp thuận cho người dân cùng một miền vùng, nằm trong phạm vi một dự án thì phải được hưởng chính sách như nhau” - ông Đoạt cho biết.

Cần sớm thống nhất phương án

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn khẳng định, ngay sau khi có quyết định phê duyệt Dự án của TP, địa phương đã tiến hành thông báo cho người dân thuộc vùng Dự án của cả 3 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn. Thực tế, tại 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn, công tác GPMB diễn ra thuận lợi. Riêng tại xã Bắc Sơn, chỉ còn một số hộ dân chưa đồng thuận liên quan tới hạn mức đất ở và tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn đã có nhiều văn bản báo cáo TP chỉ đạo tháo gỡ.

Thông tin xung quanh tiến độ GPMB Dự án, đại diện chủ đầu tư, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường Hà Nội Chu Mạnh Tuấn cho biết, các chế độ, chính sách về đền bù, hỗ trợ GPMB cho các hộ dân xã Bắc Sơn đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Quá trình thực hiện các bước trong GPMB luôn được chủ đầu tư phối hợp cùng chính quyền địa phương, công khai đến từng hộ dân. Khi có kiến nghị, thắc mắc, chủ đầu tư cùng các sở ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, trả lời, giải thích cho người dân hiểu và thực hiện theo đúng quy định.

Thực tế, sau khi thấu hiểu về chính sách, đã có không ít hộ dân nhanh chóng chấp thuận đền bù tại Dự án. Bà Nguyễn Thị Phương, cụm 7, thôn Lai Sơn sẵn sàng bàn giao toàn bộ diện tích 720m2 đất ở cho Dự án với mức giá đền bù 3.360.000đồng/m2. “Dự án đền bù theo quy định của nhà Nhà nước, không thể mỗi gia đình một giá đền bù khác nhau. Vì vậy, gia đình tôi quyết định lấy tiền để di dời sớm đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống cho con cái đỡ vất vả” – bà Phương chia sẻ.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Chu Mạnh Tuấn cho biết thêm, các phương án đã được phê duyệt nhưng người dân không nhận tiền đền bù sẽ ảnh hưởng đến việc ổn định cuộc sống. Trong khi đó, Dự án chậm tiến độ ngày nào sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội cho TP ngày đó. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, các đơn vị cần sớm thống nhất phương án trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể một vài cá nhân ảnh hưởng đến tiến độ Dự án của TP.