Dự án Luật đầu tư sửa đổi: Cấm kinh doanh đòi nợ

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư có sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư ban hành năm 2014.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Luật Đầu tư sửa đổi

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm tổng quát của Luật là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Những sửa đổi mới tập trung vào nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư;các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh, nhằm xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư. Đồng thời khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Đầu tư để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan.

Sửa đổi, bổ sung khái niệm “chấp thuận chủ trương đầu tư”, “đầu tư kinh doanh”, “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hình thức, nội dung cụ thể của khái niệm này.

Bãi bỏ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để bảo đảm  thống nhất với quy định tương ứng tại dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và DN trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Dự thảo cũng bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề. Đặc biệt, Dự thảo đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, Luật này sửa đổi, bãi bỏ một số quy định của các luật khác có liên quan để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật, gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường và quy định áp dụng chuyển tiếp các nội dung mới của luật. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát, chỉnh sửa một số quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, ví dụ như khoản 3, Điều 5.

Đối với việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh đòi nợ. Thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần