Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Sửa đổi luật nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Chỉ thị số 36-CT/TW cả Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” xác định “sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước.
Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quan điểm chỉ đạo là quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 03 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.
Theo Tờ trình dự án Luật, trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. Dự thảo Luật đã bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có; xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.
 Quốc hội nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều; so với Luật hiện hành có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.
Trong đó, chương I là Những quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; những hành vi bị nghiêm cấm và chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy.
Chương II là Trách nhiệm phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 6 đến Điều 12) quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; chính sách đối với người tham gia phòng, chống ma túy và trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.
Chương III là Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, gồm 10 điều (từ Điều 13 đến Điều 22) quy định về quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Chương IV là Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm 5 điều (từ Điều 23 đến Điều 27) quy định về xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan; thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.
Chương V là Cai nghiện ma túy, gồm 20 điều (từ Điều 28 đến Điều 47) quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy; trách nhiệm của người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy; các biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy; cơ sở cai nghiện ma túy công lập; thành lập, tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân.
Chương VI là Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm 13 điều (từ Điều 48 đến Điều 60) quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
Chương VII là Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 61 đến Điều 67) quy định về nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; chính sách hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế giải quyết các vụ việc cụ thể về ma túy; tương trợ tư pháp trong phòng, chống ma túy; thỏa thuận giữa các cơ quan tư pháp; chuyển giao hàng hóa có kiểm soát.
Chương VIII là Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 68 và Điều 69) quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong Luật.
Sau khi nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội./.