Dự cảm không lành ở Trung Đông

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát lo ngại nhiều khu vực sẽ rơi vào thảm cảnh nếu lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông - Hezbollah tham chiến.

Sau nhiều năm yên bình kể từ cuộc chiến Israel-Lebanon năm 2006, dải Gaza một lần nữa lâm vào cảnh xung đột đẫm máu khi lực lượng Hamas bất ngờ đột kích Israel ngày 7/10, khiến hơn 2.700 người của cả Israel và Palestine thiệt mạng.

Tình hình sẽ trở nên tồi tệ khi xung đột Hamas-Israel có thể lôi kéo tổ chức bán quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông - Hezbollah tham gia.

Lực lượng Hezbollah. Nguồn: CNN
Lực lượng Hezbollah. Nguồn: CNN

Bão ngầm

Theo CNN, nếu Hezbollah chính thức tham chiến, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Lực lượng vũ trang này có sức mạnh và quy mô vượt trội hơn nhiều so với Hamas, với nhiều năm tham chiến tại các chiến trường Trung Đông như: Iraq hay Syria.

Tổ chức này cũng tham gia hỗ trợ vũ khí và huấn luyện quân đội cho lực lượng Houthi tại Yemen. Không những vậy, Heznollah ngày càng thiện chiến hơn khi hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại các nhóm vũ trang đối lập, hay đối đầu với IS và Mặt trận Al Nusra có mối quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda.

Thêm vào đó, Hezbollah ngày càng trở nên mạnh hơn so với thời điểm 2006, khi tương quan lực lượng của hai bên khá cân bằng. Vào thời điểm đó, mặc dù nhiều khu vực Lebanon bị tàn phá nghiêm trọng, Hezbollah vẫn biết cách làm khó Israel.

Ngoài vũ khí hiện đại, lực lượng quân sự này còn được hỗ trợ bởi quân đội Iran đang đóng quân ở Syria. Sự tham gia của Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ (IRGS) có thể sẽ làm phát sinh thêm cuộc chiến biên giới Syria-Israel.

Về cơ bản, nhóm quân sự được hậu thuẫn bởi Iran này ủng hộ Palestine, hỗ trợ các cuộc biểu tình của người dân nước này, đồng thời lên án quyết liệt các đợt không kích quy mô lớn của Israel vào Gaza.

Tuy nhiên, Hezbollah ở Lebanon cho biết sẽ tuân thủ quy tắc giao chiến hiện đại và chỉ tấn công Israel nếu quốc gia này gây hấn trước, ngay cả khi căng thẳng leo thang.

Những động thái giao tranh gần đây giữa Hezbollah và Israel bắt nguồn từ các cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ Lebanon. Hezbollah đã tấn công biên giới Israel bằng tên lửa dẫn đường chính xác.

Mặc dù Hezbollah vẫn chưa chính thức ủng hộ Palestine, tuy nhiên nguy cơ một cuộc xung đột vẫn đang hiện hữu tại khu vực biên giới này.

Nhiều nguồn tin cho biết các nhóm vũ trang khác đang rục rịch hành động. Theo nhiều nhà ngoại giao phương Tây, tàu sân bay chạy bằng hạt nhân của Mỹ USS Gerald R Ford đang cố gắng ngăn cản lực lượng vũ trang Shia can thiệp vào cuộc xung đột này.

Hiện các nhà ngoại giao đang theo sát động thái của lực lương Hezbollah và sự yên tĩnh đến kỳ lạ của người đứng đầu nhóm này Hassan Nasrallah đang khiến các bên lo lắng về sự bùng phát bất ngờ của một cuộc chiến mới.

Giới quan sát lo ngại liệu mọi thứ đã thực sự ổn thỏa hay đây chỉ là quãng thời gian yên bình trước giông tố? Câu trả lời vẫn còn để ngỏ.