Đủ kiểu “cò dịch vụ” ở chùa Thầy

Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) vốn nổi tiếng bởi sự thanh tịnh, hoang sơ, cổ kính dường như còn vẹn nguyên từ hàng trăm năm trước.

Thế nhưng quanh việc đi lễ ở ngôi chùa này lại nảy sinh hàng trăm câu chuyện “dở khóc dở cười” mà du khách gặp phải từ những dịch vụ “không thể không dùng” của người dân bản địa.
Những “cò dịch vụ” xuất hiện tại khu vực chùa Thầy thường đứng cạnh bãi đỗ xe, ngồi ở quán nước trước cửa chùa. Nhìn thấy khách đi lễ là họ tiếp cận ngay lập tức, chỉ dẫn nhiệt tình từ việc mua vé đến xem bản đồ tham quan chùa. Thoạt nhìn có vẻ như người dân ở đây rất thân thiện và mến khách, nhưng chỉ cần các “thượng đế” hỏi lại chi tiết hoặc bắt chuyện là các “hướng dẫn viên bất đắc dĩ” này sẽ bám sát đoàn cho đến lúc khách rời chùa. Đấy là khu vực cửa chùa, còn khi du khách bước chân đến đường lên chùa chính, thì mật độ “hướng dẫn viên” dày hơn. Có thể nói, để tiếp cận người đến lễ chùa, họ tìm đủ mọi cách: Quảng cáo dịch vụ cho thuê đèn pin vào hang Cắc Cớ không được, quay sang hướng dẫn cách thắp nhang, thứ tự vào các điện lễ, giới thiệu về các tích chuyện liên quan đến chùa... Không nhận được phản hồi từ du khách, họ lại giãi bày như để tạo sự tin tưởng: “Em chỉ làm phúc thôi chứ không lấy tiền đâu mà các bác phải đề phòng”... 

Một số người dân đi theo hành khách lên tận chùa chính với mục đích làm dịch vụ kiếm lời. Ảnh: Thanh Loan

Và để mục đích kiếm tiền không tuột khỏi tay, nhiều người ngồi trực cho đến lúc khách lễ xong, rồi mang những tấm bùa bình an ra để chèo kéo. Có những người không muốn bị làm phiền thêm, đã chấp nhận mua một bùa bình an với giá 10.000 đồng. Nhưng khi hỏi mua một chiếc, các đối tượng đó lại lấy những yếu tố tâm linh ra buộc khách phải mua trọn bộ với lý do: “Bùa bình an đã mua là phải mua cả 3 cái: Phúc, Lộc Thọ mới toàn vẹn, chỉ “mẹ góa con côi” mới mua một cái thôi”. Thế là chẳng biết thực hư thế nào, nhưng khi nghe đến điều không tốt, nhiều du khách đành móc hầu bao. Và rồi không ít người đi lễ với mong muốn gia đình bình an, tâm thanh thản thì cuối cùng phải mang về những bực dọc chỉ vì những dịch vụ oái oăm như vậy. Nhẩm đếm sơ sơ, mỗi ngày chùa Thầy đón hàng trăm lượt du khách, chỉ cần một nửa trong số đó chấp nhận sử dụng dịch vụ là mỗi người dân kia đã bỏ túi hàng trăm, thậm chí là cả triệu đồng.
Từng gặp phải tình huống này, Hoàng Lan - sinh viên Đại học Công nghiệp Việt Hung chia sẻ: “Vừa gửi xe xong, chúng em đã được một người đàn ông đến và nói về những địa điểm cần qua khi tới đây. Thấy chú ấy nhiệt tình, cứ ngỡ là chú làm việc tốt, ai ngờ đến lúc ra về chú ấy bảo cho xin thù lao hướng dẫn 100.000 đồng. Vậy là bọn em đành ngậm ngùi móc tiền ra trả”. Cũng bức xúc trước kiểu làm ăn không lành mạnh chốn cửa chùa, bà Hạnh (người dân ở huyện Quốc Oai) cho biết: "Tôi đến chùa Thầy nhiều, nên hiểu mánh khóe làm ăn của một số người dân ở đây. Tôi chưa biết cuộc sống của họ khốn khó đến mức nào, nhưng việc làm của họ ảnh hưởng rất nhiều đến sự thanh tịnh chốn cửa chùa, làm mất đi sự linh thiêng vốn có của ngôi chùa”.
Trên thực tế, tại khu vực chùa Thầy, chính quyền địa phương đã gắn những tấm biển "cấm chèo kéo du khách" và cung cấp số điện thoại đường dây nóng nhận phản hồi về những sự cố khi khách du lịch đến tham quan. Nhưng có lẽ sự cảnh báo đó vẫn không đủ sức ngăn lại hiện tượng "cò dịch vụ" đang làm phiền du khách và làm xấu đi hình ảnh của chốn linh thiêng này.