Du lịch miền Trung tìm kiếm các giá trị cơ hữu

Sỹ Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tuần lễ cuối tháng 3/2024, du lịch Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hội An ghi nhận các sự kiện cộng đồng, văn hóa độc đáo, do các doanh nghiệp đầu tư. Đây là bước triển khai đầu tiên nhằm xây dựng những nhóm sản phẩm và dịch vụ cơ hữu, hứa hẹn thu hút du khách hiệu quả hơn.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, hoạt động du lịch sút giảm nghiêm trọng trong thời gian qua đang đòi hỏi phải có sự xoay chuyển tình thế, từ các cơ quan quản lý, hỗ trợ cho đến chính các nhà đầu tư. Khu vực du lịch từng rất sôi động là Đà Nẵng, đến nay phải thừa nhận “tụt dốc” nặng nề, là điều không ai có thể chấp nhận. Huế, Hội An cũng là những điểm đến du lịch ấn tượng, hiện nay lượng khách vẫn duy trì, song hoạt động đều “âm điểm”, nhiều doanh nghiệp cho biết “không có lợi nhuận suốt nhiều tháng qua”.

 Xoay trở bằng sản phẩm mới?

Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, có nhiều lý do dẫn đến những sút giảm trong hoạt động du lịch, từ khách quan do bối cảnh kinh tế, đến chủ quan do các doanh nghiệp không cải thiện sản phẩm… Song quan trọng, là chính ngành du lịch địa phương, phải tự xem lại năng lực đầu tư, hoạt động dịch vụ đã tổ chức như thế nào, có cuốn hút bền vững du khách và có tạo được sản phẩm mang giá trị cơ hữu không. Câu trả lời nhận được, sự thật là “không có”. Bởi vậy, để mong chấn hưng hoạt động, du lịch Đà Nẵng phải chấp nhận cải tổ chất lượng, đầu tư những sản phẩm mới, nhắm đúng nhu cầu du khách nhưng phải hài hòa với bối cảnh, thực lực bản địa.

Hoạt động du lịch sút giảm nghiêm trọng trong thời gian qua đang đòi hỏi phải có sự xoay chuyển tình thế, từ các cơ quan quản lý, hỗ trợ cho đến chính các nhà đầu tư (ảnh minh họa).
Hoạt động du lịch sút giảm nghiêm trọng trong thời gian qua đang đòi hỏi phải có sự xoay chuyển tình thế, từ các cơ quan quản lý, hỗ trợ cho đến chính các nhà đầu tư (ảnh minh họa).

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, đại diện thương hiệu Vitraco, một trong những đơn vị du lịch lữ hành đang hoạt động ở Đà Nẵng hiện nay, chia sẻ rằng đơn vị đang mở rộng, phối hợp nhiều doanh nghiệp khác, nhất là các tổ chức hiệp hội, câu lạc bộ chuyên môn… và sở du lịch địa phương để xây dựng các tour tuyến chất lượng hơn, tìm kiếm du khách đúng sở trường phục vụ hơn. Đáp trả nỗ lực này, các cơ quan chức năng địa phương cũng rất lắng nghe, và nỗ lực hợp tác, tìm kiếm giải pháp cùng doanh nghiệp.

Không ít chủ trương cải thiện chất lượng, bồi dưỡng tốt hơn cho đội ngũ nhân lực du lịch như hướng dẫn viên, tái đầu tư hoạt động các cơ sở lưu trú, lữ hành… đang được sở Du lịch Đà Nẵng đề xướng. Mới đây, sở này, phối hợp sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Tổng cục Đường sắt, đưa ra đôi tàu lửa phục vụ du khách đi lại giữa hai địa phương hàng ngày, chính là một giải pháp thú vị đầu tư hạ tầng du lịch chất lượng hơn. Địa phương còn rà soát, có thể tiến đến tổ chức lại một số điểm đến du lịch, trải nghiệm thương mại dịch vụ như chợ đêm, phố đi bộ trên địa bàn, để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.

Những động thái này, đang tạo tiền đề tốt cho ngành du lịch Đà Nẵng xoay trở hoạt động, thu hút du khách trở lại. Cạnh Đà Nẵng, Cố đô Huế với những kịch bản Áo dài truyền thống, cải tạo các điểm đến giao lưu văn hóa trong Thành Nội, các bảo tàng tư nhân… Phố cổ Hội An đưa ra các tiêu chí chất lượng hơn trong hoạt động phục vụ du khách trải nghiệm thực địa, đánh giá lại các bảo tàng, xây dựng không gian sinh hoạt của cư dân bản địa nhằm thu hút du khách…

Giá trị cơ hữu sẽ quyết định!

Trong bối cảnh “cùng thay đổi, cùng tìm giải pháp” của du lịch các địa phương, có thể nhận ra một vấn đề lớn: “Lâu nay, sức phát triển nóng, ồ ạt ở du lịch các tỉnh thành miền Trung đã che lấp đi những khuyết điểm nghiêm trọng, là không hề có sản phẩm mang giá trị cơ hữu, hấp dẫn”. Nhận xét này, do một đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đưa ra, để lưu ý sự quan tâm, cải thiện tình hình từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đầu tư vào du lịch.

Vị đại diện này dẫn chứng, đơn cử du lịch Hội An, đã nhiều năm liền không kiến tạo được các tour mới, loanh quanh vẫn chỉ để du khách vào đi bộ quanh khu vực phố cổ, không có chương trình diễn tấu nào hấp dẫn, các điểm đến như bảo tàng, nhà cổ… đều hiu hắt, không có hoạt động sôi nổi gì. Du khách đến Đà Nẵng, cũng chỉ lang thang tự do ở Bà Nà Hills, xuống chợ Hàn, qua cầu Rồng… chứ không hề được trải nghiệm sản phẩm, kịch bản chương trình nào hấp dẫn. Một điểm đến đáng chú ý như thành Điện Hải, rất được Đà Nẵng quan tâm quảng cáo, song tổ chức bên trong nghèo nàn, hướng dẫn viên không có, khuôn viên nhếch nhác… khiến du khách hụt hẫng hoàn toàn.

“Hành trình qua ẩm thực Việt” góp phần quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực nước nhà, làm điểm chọn thu hút du khách.
“Hành trình qua ẩm thực Việt” góp phần quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực nước nhà, làm điểm chọn thu hút du khách.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Bắc Mỹ An (Furama) cho biết, để tự làm mới mình, trong những năm gần đây, doanh nghiệp đã triển khai nhiều kế hoạch đầu tư, cải thiện chất lượng, dịch vụ. Từ năm 2024, Furama cùng Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng và Hội Khách sạn Đà Nẵng, mời gọi các nghệ nhân xây dựng chương trình “Hành trình qua ẩm thực Việt” để quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực nước nhà, làm điểm chọn thu hút du khách.

Điều bất ngờ, là lựa chọn này của doanh nghiệp, lại trùng quan điểm chấn hưng, tìm giá trị cơ hữu quảng bá du lịch, của cả 3 địa phương Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Từ đó, đã hình thành một loạt hoạt động cộng hưởng nhau của các địa phương, cùng xây dựng, mong tái hiện các giá trị chất lượng căn bản, độc đáo từ ẩm thực bản địa, nhằm thu hút và phục vụ du khách tìm đến hoặc quay lại.

Theo ông Quỳnh, việc lựa chọn các giá trị cơ hữu cho du lịch như vậy, thực sự rất cần thiết để từng bước thay đổi bối cảnh hiện nay, tạo lại cơ hội hoạt động cho các doanh nghiệp đầu tư cũng như mở ra những cánh cửa cạnh tranh tốt hơn cho du lịch Việt Nam trong bản đồ du lịch khu vực. Điều đáng lo, là phải sau một thời gian dài ồ ạt, du lịch miền Trung đến nay mới nhận lại chính mình, nên có thể sẽ phải “trả nhiều cái giá” cho sự hồi phục!