Du lịch “tựa lưng” vào di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mong muốn tạo ra bước đột phá cho du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đang "nuôi" ý tưởng: Năm 2016 sẽ đẩy mạnh khai thác giá trị hệ thống di sản phục vụ du lịch.

 Tài nguyên quý trong tay

Không những được hàng triệu du khách quốc tế bình chọn là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á, hay điểm đến hấp dẫn thứ 4 thế giới năm 2015, du lịch Hà Nội còn là “điểm sáng tăng trưởng kinh tế” với các chỉ tiêu năm sau đạt cao hơn năm trước.

Năm 2015, mặc dù khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng khoảng 2% so với năm 2014, nhưng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 3,4 triệu lượt (tăng 12%), khách nội địa ước đạt 16,4 triệu lượt (tăng 6%), tổng số lượng khách đến Hà Nội ước đạt 19,8 triệu lượt (tăng 7%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55,5 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.                                Ảnh: Công Hùng
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Công Hùng
Trong đó, có sự góp sức lớn từ việc khai thác giá trị hệ thống di sản. Bởi lẽ, du khách đến Hà Nội đều bày tỏ sự thích thú khi tham quan các điểm đến này. Như chia sẻ của ông Buisson Bernard, 58 tuổi, đến từ Pháp: “Tôi đã tới Hà Nội 3 lần, dịp nào tôi cũng đi khám phá các di sản văn hóa mà không thấy chán. Quả thực, Thủ đô hơn ngàn năm tuổi của các bạn có kho lịch sử, văn hóa thật đồ sộ và hấp dẫn”.

Thực tế, trong số các sản phẩm tour tuyến do các công ty lữ hành xây dựng, các điểm đến di sản chiếm tỷ trọng lớn. Trong đó phải kể đến những nơi đã có thương hiệu như: Khu di tích và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm, các khu du lịch sinh thái Ba Vì, làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc… “Khách du lịch đến Hà Nội đều đánh giá tốt về các điểm di sản văn hóa, thiên nhiên. Bởi tại đây, du khách không chỉ được tìm hiểu, khám phá các giá trị lâu đời mà còn cảm nhận được sự thanh bình, giản dị khiến họ không muốn chia xa” - bà Từ Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Asialand Travel cho biết.

Sở hữu hơn 5.000 di tích, với hơn 2.000 di tích được xếp hạng cùng các loại hình văn hóa phi vật thể, các khu du lịch sinh thái, Hà Nội được coi là nơi có tiềm năng du lịch lớn. Tuy nhiên, việc phát huy các giá trị di sản thông qua du lịch, hay khai thác để phát triển du lịch tại Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài các điểm đến quen thuộc, còn rất nhiều di sản chưa được khai thác hiệu quả. Đó là chùa Đậu, đình cổ Chu Quyến, làng cổ Cự Đà; các làng nghề giàu tiềm năng như Phú Vinh, Chuôn Ngọ, Hạ Thái…; những môn nghệ thuật truyền thống như: Di sản văn hóa thế giới ca trù, chèo, xẩm...; võ thuật cổ truyền; và ngay cả Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa… cũng chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước một cách xứng tầm.

 Nâng cấp điểm di sản

Thực ra, từ nhiều năm nay, những người trong cuộc vẫn đầy trăn trở vì "bỏ phí" nguồn tài nguyên sẵn có trong tay. Dưới góc nhìn của DN lữ hành, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng: “Thời gian qua, mối liên kết giữa du lịch và di sản chưa tốt. Nhiều công ty thụ động, có cái gì thì khai thác và bán cái đó. Mối quan hệ này cần thay đổi, du lịch cần phối hợp với ngành văn hóa đưa ra sản phẩm chuẩn để hai bên cùng có lợi”. Còn theo Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội Vũ Chính Đông, để các giá trị văn hóa phát huy vai trò thông qua du lịch, cần có sự hợp tác, gắn kết giữa các điểm đến văn hóa với các DN du lịch. Nhận thức của những người làm văn hóa về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong việc góp phần khôi phục, bảo tồn và giới thiệu văn hóa truyền thống còn hạn chế. Trong khi các DN du lịch chưa đầu tư xây dựng các điểm đến có tiềm năng mà chủ yếu vẫn tận dụng một vài điểm đến đã có “thương hiệu”.

Thực ra thời gian qua, ngành du lịch đã "rục rịch" khai thác điểm du lịch làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và bỏ công xây dựng sản phẩm du lịch từ các loại hình văn hóa nghệ thuật Hà Nội như: Ca trù, chèo, cải lương, xiếc; rồi cũng hỗ trợ các làng nghề cải tạo cảnh quan, cách làm để hút khách du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh: “Năm 2016, du lịch sẽ tập trung thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa ngàn năm văn hiến. Bởi di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để khai thác, phát triển du lịch. Ngược lại, du lịch cũng mang lại sức sống, góp phần tạo ra nguồn lực để tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di sản”.

Ông Hồng cho biết, tới đây, Sở Du lịch sẽ xây dựng các sản phẩm mới để phục vụ du khách như: Phát triển sản phẩm đặc thù tại khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; khai thác không gian cảnh quan và mặt nước Hồ Tây; phát triển tuyến du lịch ven sông Hồng; đồng thời, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục nâng cấp một số điểm di sản văn hóa để trở thành “địa chỉ đỏ” phục vụ du khách trong nước và quốc tế; đầu tư các điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực nội đô; và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch tại một số điểm trong khu vực phố cổ. Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tới các địa phương khác và những thị trường tiềm năng ngoài nước để “hút” khách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần