Dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục tăng: Ngân hàng có nên lo ngại?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bước vào thời điểm cuối năm 2023, DN kinh doanh BĐS vẫn “loay hoay” trong việc tìm nguồn vốn để tái đầu tư. Trong khi đó, tín dụng cho vay đối với BĐS tiếp tục tăng, vậy điều đó có ảnh hưởng đến an toàn quản trị của hệ thống ngân hàng?

Dư nợ tín dụng tăng, tồn kho lớn

Thời gian gần đây, dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về vấn đề thị trường BĐS bị thiếu hụt, suy giảm nghiêm trọng nguồn cung mới sản phẩm.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 65.000 sản phẩm mới (nhà ở, thấp tầng, đất nền) được đưa ra thị trường từ 250 dự án (số liệu tổng hợp theo từng quý), chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022 – thời điểm dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Điều đó cho thấy, nguồn cung mới sản phẩm không có tín hiệu tích cực, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, lạm phát được kìm tỏa ở mức thấp, ngân hàng giảm lãi suất cho vay...

Lượng tồn kho BĐS trên thị trường vẫn ở mức cao.
Lượng tồn kho BĐS trên thị trường vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, trên thực tế tình hình giao dịch trên thị trường BĐS cũng hết sức ảm đạm, tổng lượng giao dịch thành công cũng chỉ chiếm trên 30% so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 13.000 sản phẩm), dẫn đến lượng tồn kho BĐS tương đối lớn.

Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dưng từ 52/63 tỉnh, TP, chỉ riêng trong quý III/2023 lượng tồn kho xấp xỉ 17.000 sản phẩm (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư 3.196 căn; nhà ở riêng lẻ 6.554 căn; đất nền 7.190 nền, tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng dành cho BĐS ở các tổ chức tín dụng cũng ghi nhận có sự gia tăng tương đối lớn. Số liệu báo cáo từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), trong 10 tháng năm 2023, tổng dư nợ đối với nền kinh tế là 12,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng lĩnh vực BĐS, dự nợ tại các tổ chức tín dụng là 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cùng kỳ và chiếm 21,46% tỷ trọng trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

... nhưng chưa đáng quan ngại

Mặc dù, dư nợ tín dụng dành cho BĐS tăng, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành BĐS năm 2023 là 14%, nếu so với cùng thời điểm của năm 2022 cũng thấp hơn khá nhiều (10 tháng năm 2022 dư nợ tín dụng BĐS tăng xấp xỉ 10%). Điều đó cho thấy tín dụng vào tiêu dùng BĐS giảm mạnh, do người dân chưa dám bỏ tiền mua BĐS, vẫn trong trạng thái thận trọng, nghe ngóng tình hình thị trường hồi phục và sự “thẩm thấu” của các cơ chế, chính sách đã được ban hành thời gian gần đây.

Tăng trưởng tín dụng của ngành BĐS tăng nhưng vẫn ở mức an toàn, chưa đáng lo ngại. Ảnh: Doãn Thành
Tăng trưởng tín dụng của ngành BĐS tăng nhưng vẫn ở mức an toàn, chưa đáng lo ngại. Ảnh: Doãn Thành

Số liệu báo cáo từ hệ thống ngân hàng cũng cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS cao hơn so với cùng thời điểm này năm trước. Cụ thể, tại Techcombank dư nợ BĐS chiếm 34,6% cao hơn mức 26,4% so với cuối năm 2022; tại VPbank là 17,7% so với 14,4%; ngân hàng TPbank chiếm 7,6% so với 6,3%; ngân hàng SHB dư nợ BĐS ghi nhận tăng mạnh nhất chiếm 16,08% so với 6,75% thời điểm cuối năm ngoái... nhưng hầu hết dư nợ chỉ tập trung vào khách hàng DN.

“Qua thực tế triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ; hay việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu DN… nên đến thời điểm này có thể đánh giá nó đã mang đến tác động tích cực, giúp cải thiện thị trường, trong đó có “sức khỏe” của các DN kinh doanh BĐS” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải đánh giá.

Riêng đối với vấn đề dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS tăng, trong khi các hoạt động của thị trường vẫn tương đối ảm đạm, nguồn cung mới và số lượng giao dịch liên tục giảm sút... thì chuyên gia tài chính – ngân hàng TS Cấn Văn Lực cho rằng điều này chưa đáng để quan ngại, vì thực tế tổng dư nợ của lĩnh vực BĐS đối với nền kinh tế vẫn ở ngưỡng an toàn và thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

“Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực “nhạy cảm”. Tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực BĐS đến thời điểm này mới chỉ đạt trên 6%, ngay cả việc đạt mức độ tăng trưởng 14% như mục tiêu đặt ra trong năm 2023 này, thì rủi ro tín dụng vẫn được đảm bảo an toàn. Vốn từ ngân hàng đổ vào BĐS không đáng phải lo ngại, bởi lĩnh vực này vẫn còn nhiều kênh vốn khác khả quan đang chờ để tham gia thị trường” - TS Cấn Văn Lực phân tích.