Dự thảo Luật Đất đai chưa đồng bộ, thống nhất

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại diện Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có thời gian góp ý quá ngắn và một số nội dung chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Nhiều quy định mới

Để bảo đảm việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng quy định, Bộ TN&MT vừa đăng tải công khai dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn.

Theo đại diện Bộ TN&MT, sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả… Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: quy hoạch ngành, lĩnh vực thiếu đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; Tình trạng lãng phí, dự án chậm, bỏ hoang đất nông nghiệp, tham nhũng, trục lợi... gây thất thoát nguồn thu ngân sách vẫn diễn ra; Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – người dân – doanh nghiệp, ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với nhiều quy định mới được bổ sung.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với nhiều quy định mới được bổ sung.

Ngoài ra, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời; vi phạm diễn biến phức tạp, tỷ lệ đơn thư khiếu nại chiếm tỉ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan Nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm; số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm...

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, Bộ TN&MT đã hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai; Nghị quyết XIII của Đảng; Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; Nghị quyết 39/2019 của Bộ Chính trị... đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra.

Trên cơ sở đó, từ ngày 29/7 – 3/8/2022, Bộ TN&MT sẽ lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi này, trong đó có nhiều quy định mới, gồm: Sửa quy định về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; Bỏ khung giá, sửa quy định về bảng giá; Bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai, trường hợp thu hồi, quy định thời hạn sử dụng, người sử dụng đất; Vấn đề giao, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án; Sửa quy định về quyền của người sử dụng đất... và nhiều nội dung quan trọng khác.

Bộ TN&MT cũng đã rà soát hơn 100 Luật, bộ luật liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật liên quan, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành T.Ư Đảng năm 2022 và sẽ đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10/2022, tháng 5/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023.

... nhưng chưa đảm bảo đồng bộ, thống nhất

Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ TN&MT, Tổng Cục Quản lý Đất đai về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của HoREA mới đây, đại diện HoREA cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có đến 237 Điều, nhưng thời gian góp ý chỉ gói gọn trong 6 ngày là quá ngắn. “Vì vậy, kiến nghị Bộ TN&MT cho thêm thời gian để góp ý, tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp và đối tượng bị tác động để Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành, như vậy mới phát huy cao nhất nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó có xây dựng thị trường BĐS minh bạch, an toàn, lành mạnh, ổn định, bền vững, tạo tâm thế phấn chấn trong xã hội” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Ngoài ra, đại diện HoREA cũng cho rằng, một số nội dung trong Dự thảo chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáng chú ý là quy định về "quản lý và sử dụng đất đai" với các luật khác, cụ thể là quy định doanh nghiệp phải có 100% đất ở thì mới được công nhận chủ đầu tư. Trong khi Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bao gồm đất ở, đất ở và các loại đất khác hoặc đất khác không phải đất ở...

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng một số quy định mới trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng một số quy định mới trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó, là vướng mắc quy định về sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong Dự thảo. Bởi những mâu thuẫn tại Điều 117, 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 với Điều 118, 119 Luật Đất đai 2013 (quy định phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng) vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan thì rất cần thiết phải bổ sung "điều hoặc khoản" có tính nguyên tắc vào Luật Đất đai và các luật khác. Khi quy định về quản lý, sử dụng đất, không cần quy định chi tiết, mà yêu cầu phải dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về đất đai.

“Đề nghị bổ sung quy định có tính nguyên tắc vào Luật Đất đai, trong đó, các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan đến quản lý, việc sử dụng phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013, cần phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Quản lý đô thị 2009 (thay thế bằng Luật Quản lý và phát triển đô thị theo Đề án của Bộ Xây dựng)” ” – ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.