Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Phải siết thêm nhiều điều khoản

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.

 Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngay cả trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vẫn còn nhiều khoảng “trống”, chưa “mạnh” như nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang.
Xin ông cho biết, sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có ý nghĩa thế nào trong thời điểm hiện nay?

- Thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và gia tăng ở cả hai giới. Mỗi năm, người dân tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia và có xu hướng tăng ở giới trẻ. Theo thống kê có tới 36% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, chưa tính bạo lực gia đình và gây rối trật tự công cộng. Về kinh tế, chi phí cho tiền mua rượu, bia mỗi năm 4 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo chỉ 2,41 tỷ USD. Thu của DN đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 50.000 tỷ đồng, nhưng chi phí cho việc phòng, chống tác hại rượu, bia, trong đó phí tổn về chăm sóc sức khỏe, già hóa... đã mất tới 65.000 tỷ đồng.
Vì vậy, xét cả về mặt kinh tế và sức khỏe con người thì tác hại của bia, ruợu ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với một nước có sử dụng rượu, bia lớn như Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu, bia phải đứng trên quan điểm phát triển bền vững, dung hòa lợi ích sức khỏe và kinh tế nhưng phải đặt lợi ích sức khỏe lên trên hết, bởi có sức khỏe mới có nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Kinh nghiệm của các nước trong kiểm soát bia, rượu được thực hiện ra sao và Việt Nam có thể học tập gì để kiểm soát, giảm thiểu sử dụng bia, rượu hiện nay?

- Trên thế giới, đã có 168 quốc gia quy định kiểm soát rượu, bia. Như tại Thái Lan đã thu thêm 2% kinh phí phụ thu với bia, rượu. Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng rượu, bia của người Thái giảm mạnh, chỉ trong 5 năm, mức độ này giảm gần 20%. Trong số 168 quốc gia trên thì có tới 159 quốc gia có quy định nồng độ cồn đối với lái xe. Qua đó, đã góp phần giảm tới 20% số ca tai nạn liên quan tới rượu, bia. Điển hình như Nhật Bản, áp dụng quy định này từ năm 2002, nên đã giảm 35% số ca tử vong do tai nạn giao thông. Tại New Zealand, khi quy định nồng độ uống có cồn, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm từ 44% (1990) xuống còn 26% (năm 2001). Nhiều quốc gia còn có quy định giờ bán đồ uống có cồn hay cấm quảng cáo rượu, bia trên phương tiện thông tin truyền thông. Tác động của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với việc giảm thiểu sử dụng bia, rượu tại Việt Nam sẽ có những đánh giá cụ thể sau một thời gian khi Luật được ban hành. Nhưng, chúng ta có thể khẳng định, sự ra đời của luật này là điểm truyền thông mạnh mẽ, thay đổi hành vi uống rượu, bia, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, ý thức DN kinh doanh rượu, bia, các điểm bán rượu, bia sẽ được nâng lên.

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ở Việt Nam hướng đến những mục tiêu nào, thưa ông?

- Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ở Việt Nam sẽ hướng đến ba biện pháp mạnh như WHO đã khuyến cáo. Thứ nhất, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu, bia nhằm làm giảm việc tiếp cận rượu, bia. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa được xem xét ở thời điểm này. Thứ hai, kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ. Các nước trên thế giới kiểm soát rất chặt chẽ việc quảng cáo bia, rượu. Có quốc gia cấm quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc cấm quảng cáo vào “giờ vàng” trên sóng hay trong các chương trình dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Luật hóa quy định cán bộ, công chức không được uống rượu, bia

Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nhận định, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội. Trong khi đó, theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước năm 14 tuổi.

Dự Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; đối tượng, địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, DN, cơ quan, tổ chức... Dự luật cũng quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc. Uống rượu, bia cũng bị cấm tại một số địa điểm.

Dự Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 12/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11. (Trần Hà)

Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù bia và rượu tác hại như nhau khi quy đổi ra nồng độ cồn nguyên chất nhưng Luật Quảng cáo hiện nay mới chỉ cấm quảng cáo ruợu trên 15 độ, thả lỏng hoàn toàn với bia. Trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ kiểm soát vấn đề này nhưng chưa mạnh. Thứ ba, là việc quy định giờ bán, việc bán hàng trên internet để giảm tính sẵn có, giảm khả năng tiếp cận với bia, rượu. Tuy nhiên, vấn đề này trong các lần lấy ý kiến có nhiều ý kiến trái chiều. Trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội sẽ giao cho chính quyền địa phương xem xét theo lộ trình quy định địa điểm bán, giờ bán, phương thức bán phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Như vậy, biện pháp này vẫn cần một thời gian nữa mới có thể thực hiện.

Vậy theo ông, Dự thảo Luật cần bổ sung những điều khoản gì để tăng tính khả thi và mục tiêu đạt ra?

- Trong 3 tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có 10 thư kiến nghị, đóng góp của 6 tổ chức trong nước và quốc tế gửi tới lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ. Trong đó có 3 góp ý cụ thể mà theo tôi Quốc hội nên xem xét và cân nhắc. Thứ nhất, về tên Luật cần giữ tên như đề xuất của Chính phủ là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Bởi, không có ngưỡng an toàn nào về sức khỏe cho sử dụng rượu, bia. Mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia nên các quy định trong luật liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Nếu thay đổi sang tên khác như Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia thì lại chỉ phòng chống khi đã bị nghiện rồi và trên thực tế chưa lạm dụng đã gây tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình… sẽ làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược có trong nội dung dự luật.

Thứ hai, về kiểm soát, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia rượu. Các chính sách phòng chống tác hại rượu bia hiệu quả nhất, tốt nhất cần được củng cố trong Dự thảo Luật. Cụ thể, quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ, quy định hạn chế tính sẵn có của mặt hàng bia, rượu và sự tiếp cận với đối tượng dưới 18 tuổi cần bổ sung hoặc điều chỉnh.

Thứ ba, về điều kiện tài chính thực bảo đảm thực thi luật. Cần có nguồn kinh phí bền vững để thực thi luật, đưa luật vào cuộc sống. Như vậy, Dự thảo Luật phải bổ sung một điều về trích phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt bia rượu để chi cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Xin cảm ơn ông!