Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế mở rộng nhiều chủ thể

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế và nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trước đó trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Trong đợt 2 của Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật này. Tại phiên họp toàn thể, các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế thay thế Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế được ban hành từ năm 2007 nhằm phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới; nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại.
 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tiếp tục khẳng định những thành công trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong thời gian qua, đã từng bước thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ hợp tác, là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, góp phần giữ vững độc lập tự chủ của quốc gia, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, góp phần giữ vững hòa bình khu vực và thế giới. Vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế mong muốn và sẵn sàng ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; nhất trí với việc không quy định trong Luật này việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi và các nhà tài trợ nước ngoài, những thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài, thỏa thuận về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự, thỏa thuận viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài, những hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí cho rằng, trong tình hình mới hiện nay, khi quan hệ quốc tế của Việt Nam đang được rộng mở ở nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau nên việc mở rộng các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế là cần thiết. Đồng thời đề nghị là nghiên cứu để quy định rõ về các hình thức văn bản ký kết và nội dung thỏa thuận quốc tế ở từng cấp cho phù hợp với tính chất, thẩm quyền và khả năng độc lập, sự chịu trách nhiệm thi hành thỏa thuận quốc tế mà các tổ chức, các cơ quan được quy định trong luật này.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm các quy định về trình tự, thủ tục để đáp ứng tốt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Việc áp dụng các thủ tục rút gọn cần được quy định cụ thể cho từng trường hợp để đáp ứng yêu cầu chính trị hay đối ngoại đột xuất để đảm bảo tính khả thi của việc ký kết.
Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định rõ thỏa thuận quốc tế phải được ký kết bằng tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng quốc gia đối tác là văn bản chính thức có giá trị như nhau, thể hiện rõ vị trí của tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, nội hàm, nội dung cốt lõi của thỏa thuận quốc tế và đặc biệt là để phân biệt với điều ước quốc tế thì Luật Điều ước quốc tế năm 2016 đã có, trong đó quy định rõ chủ thể ký kết và bản chất pháp lý của các văn kiện ký kết.
Về chủ thể của các thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng nhiều chủ thể để ký kết các thỏa thuận quốc tế so với Pháp lệnh năm 2007.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội về thẩm quyền và năng lực của chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế khi Dự thảo Luật mở rộng thẩm quyền đến cấp huyện và cấp xã, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến này cũng như nội dung các cơ quan ký các thỏa thuận quốc tế có làm phát sinh các trách nhiệm pháp lý của quốc gia hay đề nghị xem xét để bổ sung thêm một số chủ thể trong đó có các tổ chức chính trị nghề nghiệp hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thỏa thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng cho biết, về một số nội dung lớn của Dự thảo Luật như việc hướng dẫn công tác hay trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế là cấp nào ở trung ương, Chính phủ hay giao cho các bộ, ngành, các tỉnh…Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự án luật này đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 10./.