Đưa cán bộ trẻ về hợp tác xã: Trợ lực kịp thời

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 11.688 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 38% tổng số HTX hoạt động hiệu quả. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chất lượng nguồn nhân lực tại các HTX rất hạn chế.

 Xã viên Hợp tác xã Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) chăm sóc rau an toàn. Ảnh: Trọng Tùng
60% cán bộ HTX không học hết phổ thông
Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 mới đây chỉ ra: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các HTX hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến phải giải thể. Một trong những nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực tại các HTX hiện nay rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đáng chú ý khi có tới 60% cán bộ HTX nông nghiệp chưa học hết THPT. Điều này dẫn đến việc quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc 2.366 HTX nông nghiệp buộc phải giải thể, sáp nhập trong vòng 5 năm qua.

Bên cạnh chất lượng nguồn nhân lực, nhiều HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ đầu vào, tính liên kết của các thành viên lỏng lẻo. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, chỉ khoảng 49% tổng số HTX nông nghiệp hiện đang hoạt động có phương án sản xuất, kinh doanh. Hơn 1/2 số HTX còn lại hoạt động nhưng thiếu định hướng, kế hoạch sản xuất cụ thể...

Thực tế đã có nhiều HTX nông nghiệp quan tâm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Đơn cử như HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng), hiện có 20 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi, thú y, quản lý kinh tế… HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm và thu nhập trên dưới 7 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên. Dù vậy, việc nâng cao chất lượng nhân sự tại các HTX nông nghiệp hiện nay nhìn chung vẫn là bài toán nan giải.

Không thực hiện tràn lan

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất xám, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở các HTX nông nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 340 nhằm cụ thể hóa việc triển khai tại các địa phương theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261.

Theo đó, từ nay tới năm 2020, sẽ hỗ trợ từ 3 - 5 HTX nông nghiệp tại mỗi tỉnh, TP; mỗi HTX có 3 lao động trình độ cao đẳng trở lên. Trước mắt trong năm 2018, thí điểm hỗ trợ một cán bộ chuyên môn hoặc kế toán cho mỗi HTX.
Các HTX thuộc diện ưu tiên hỗ trợ phải là HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Đồng thời, có phương án sử dụng lao động phù hợp, hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc cho HTX.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với mục tiêu phát triển các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Việc đưa những cán bộ trẻ, có trình độ về công tác tại các HTX sẽ góp phần thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức nông nghiệp, tạo động lực để các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.
"Việc hỗ trợ cán bộ chuyên môn về làm việc ở các HTX nông nghiệp là cần thiết, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực sự của các đơn vị và sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở đánh giá hiệu quả hàng năm, chứ không thực hiện tràn lan, gây lãng phí ngân sách Nhà nước" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Trong giai đoạn thí điểm, mỗi tỉnh, TP sẽ lựa chọn khoảng 5 HTX để hỗ trợ một cán bộ chuyên môn có trình độ đại học, cao đẳng. Cuối năm 2018, Bộ sẽ có sơ kết đánh giá để năm 2019 có thể triển khai trên diện rộng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam