Đưa đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch & Hà Nội (HPA) tổ chức hội chợ “Đặc sản vùng miền”, nhằm tạo điều kiện DN quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc HPA Nguyễn Mai Anh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về hội chợ nêu trên, diễn ra từ 1 - 4/12, tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City.
Hội chợ "Đặc sản vùng miền" năm nay, HPA nhắm tới những mục tiêu gì, thưa bà?
- Mỗi tỉnh, TP Việt Nam đều có sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, nhưng thời gian qua, những sản phẩm này không được nhiều người tiêu dùng biết đến nên thị trường tiêu thụ khá hạn hẹp. Trước yêu cầu đó, Sở Công Thương Hà Nội và HPA đã tổ chức việc kết nối với các tỉnh, thành qua đó giới thiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, kết nối cung - cầu. Tham dự hội chợ, DN sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt các nhà quản lý sẽ cùng với DN tìm ra các giải pháp để đưa đặc sản vùng miền của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống, nhà hàng, khách sạn…

Sản phẩm cam Vinh được giới thiệu, bày bán tại Hội chợ đặc sản vùng miền ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Có thể nói, đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm đặc sản vùng, miền Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Qua đó hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Đây là lần thứ 3, hội chợ được tổ chức. Kỳ tổ chức này sẽ thu hút bao nhiêu DN và tỉnh thành tham gia?
- Trong kỳ tổ chức trước (năm 2015), hội chợ chỉ thu hút được 120 DN đến từ 40 tỉnh, thành, thì lần này đã có đến 200 DN đến từ 50 tỉnh, thành trong cả nước đăng ký tham gia trưng bày với 250 gian hàng. Những gian hàng này sẽ tổ chức thành 6 khu chuyên biệt: Khu gian hàng đặc sản thương hiệu vùng miền, khu nghệ thuật thực phẩm, khu chợ quê, khu không gian chè và cà phê, khu tiểu cảnh, khu giao thương của các DN.
Các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền quy tụ tại chương trình lần này gồm: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, hoa quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, nhóm sản phẩm gia vị… Riêng Hà Nội sẽ giới thiệu một số sản phẩm đặc sản như cốm làng Vòng, bánh cốm, giò chả Ước Lễ, nem Phùng, mứt hạt sen trần, kẹo lạc (Sơn Tây), chè lam (Thạch Thất)… Cũng trong khuôn khổ của chương trình, HPA sẽ tổ chức một số hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp hỗ trợ và phát triển thị trường hiệu quả cho các loại đặc sản địa phương; sự hợp tác chiến lược giữa Hà Nội và các tỉnh trong xây dựng, phát triển thị trường đặc sản vùng miền...
ATTP đang được người tiêu dùng quan tâm, vậy vấn đề này được Ban tổ chức triển khai như thế nào, thưa bà?
- Nhằm bảo đảm ATTP, HPA đã yêu cầu DN muốn tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương, bảo đảm về chất lượng ATTP do Sở Công Thương các tỉnh, thành xác nhận; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, HPA phối hợp với các cơ quan chức năng như Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh ATTP… liên tục kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Để tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền tại Hà Nội đòi hỏi sự liên kết giữa DN bán lẻ và sản xuất. Xin bà cho biết, thời gian tới, HPA sẽ có những hoạt động gì để hỗ trợ DN các tỉnh tiêu thụ sản phẩm?
- Ngoài việc tổ chức hội chợ thường niên vào dịp cuối năm tại Hà Nội, để có thể quy tụ sản phẩm đặc sản của các địa phương đến với thị trường Thủ đô, HPA còn phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức các cuộc giao thương kết nối trực tiếp giữa DN Hà Nội và DN các tỉnh. Tại hội chợ lần này, HPA đã triển khai công tác kết nối trước, gửi thông tin sản phẩm, DN các tỉnh đến hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... để DN phân phối của Hà Nội tìm hiểu và tiến tới ký kết hợp đồng trực tiếp nếu có nhu cầu. Đặc biệt, tổ chức hội nghị “Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP”, hội nghị này sẽ do UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương chủ trì.
HPA cũng tổ chức quảng bá sản phẩm đặc sản của 63 tỉnh thành tới bạn bè quốc tế thông qua việc gửi thông tin về sản phẩm, DN đến đại sứ quán, văn phòng đại diện các nước tại Hà Nội, tổ chức xúc tiến thương mại...
Xin cảm ơn bà!