Đưa du lịch Bạc Liêu trở thành “Điểm hẹn văn hóa”

Hồng Thắm - Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã khởi sắc trở lại, góp phần tạo thêm nguồn lực cho kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Đưa du lịch Bạc Liêu trở thành “Điểm hẹn văn hóa” - Ảnh 1

Tỉnh Bạc Liêu đang phát triển nơi đây thành “Điểm hẹn văn hóa”, trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phục hồi với nhiều khởi sắc

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ, du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch năm, tăng 76,2% so với cùng kỳ.

Kết quả trên thực sự đáng phấn khởi, nhất là sau 2 năm dịch Covid-19, ngành Du lịch gần như bị đóng băng. Bên cạnh sự quan tâm thúc đẩy của các cấp, các ngành, du lịch tỉnh Bạc Liêu khởi sắc nhờ tự làm mới, tự sáng tạo nhằm thu hút lượng lớn khách tham quan trong và ngoài tỉnh.

Năm 2022, du khách cả nước ấn tượng với các điểm đến của du lịch tỉnh Bạc Liêu, không chỉ nổi tiếng bởi cánh đồng điện gió, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối đặc trưng hay những ngôi chùa cổ kính, mà còn hấp dẫn nhiều người đam mê khám phá bởi những vườn nho có nhiều giống nho mang về từ miền Trung Ninh Thuận, những nông trại cừu, ngựa đặc trưng của miền Đông Nam Bộ, của núi rừng Tây Nguyên hay những vườn hoa đầy hương sắc…

Hiện, ngành Du lịch Bạc Liêu đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Đây là cơ sở để tỉnh đề ra chỉ tiêu cũng như các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022, phấn đấu tiếp đón khoảng 3,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch - dịch vụ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; phấn đấu có từ 1 - 2 điểm là điểm du lịch tiêu biểu của vùng, công nhận từ 1 đến 3 khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh và đề xuất đưa Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát - ven biển TP Bạc Liêu vào danh mục Khu vực ưu tiên quy hoạch trở thành Khu du lịch Quốc gia.

Bứt phá với chuỗi sự kiện nổi bật trong năm 2022

Ông Phan Thanh Du - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2022.

Ngày hội có 10 sự kiện chính, bao gồm: Chương trình khai mạc Ngày hội; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu; Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu; Liên hoan nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu; khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh; tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”; Ngày hội Tôm và Muối Bạc Liêu; khởi công, khánh thành một số dự án, công trình; Hội thảo góp ý Đề án xây dựng sản phẩm OCOP “Khu du lịch cộng đồng Vườn nhãn Bạc Liêu” và công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long; Bế mạc Ngày hội và Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh với chủ đề “Âm vang dạ cổ”.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để quảng bá hình ảnh du lịch Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững.

Nét đẹp cánh đồng điện gió tại Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường
Nét đẹp cánh đồng điện gió tại Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường

Phát triển du lịch Bạc Liêu thành “Điểm hẹn văn hóa”

Trong những năm qua, với sự quan tâm của lãnh dạo và chính quyền tỉnh Bạc Liêu, ngành du lịch được xác định là một trong 5 trụ cột kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực trạng hiện nay Bạc Liêu là một trong những tỉnh có sản phẩm thương hiệu văn hóa du lịch đặc trưng nhiều nhất trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, khá sinh động theo các dòng sản phẩm như sản phẩm văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, nghệ thuật đờn ca tài tử, Công tử Bạc Liêu, sinh thái rừng biển, điện gió, các công trình nghệ thuật kiến trúc lâu đời và hiện đại…

Do vậy, cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng để chẳng những được duy trì mà còn phát huy được hiệu quả. Chiến lược chất lượng thể hiện ở từng chi tiết sản phẩm, từng phân khúc trong chuỗi dịch vụ và trong tổng thể điểm đến. Chất lượng dịch vụ phải được đo bằng sự hài lòng của khách, chất lượng điểm đến chỉ có thể đánh giá bằng giá trị trải nghiệm mà du khách tiếp nhận được.

Hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng thỏa mãn tối đa nhu cầu của du khách, tạo ra sức lan tỏa có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi những sản phẩm văn hóa đặc trưng khác biệt làm cho du khách cứ mỗi lần quay lại chiêm ngưỡng và hưởng thụ thấy được chiều sâu của sự tinh tế sáng tạo mới lạ luôn luôn hấp dẫn, đang đặt ra nhiều lời giải cho kinh tế du lịch Bạc Liêu phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cấp phát triển sản phẩm du lịch đã có như: Khu Quán âm Phật đài, Khu du lịch Nhà Mát, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện, nhà thờ Tắc Sậy… theo hướng khai thác đa dạng, có chiều sâu, tỉnh Bạc Liêu hướng đến khuyến khích, mở rộng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn TP Bạc Liêu, huyện Hồng Dân và huyện Phước Long, trong đó điểm nhấn là mô hình du lịch cộng đồng. Mô hình này được xác định là hướng đi lâu dài, bền vững trong thời gian tới.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều: Trong những năm gần đây tỉnh đã xác định rõ định hướng: Du lịch Bạc Liêu sẽ phát triển thành “Điểm hẹn văn hóa”, trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL, do vậy các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu nội hàm sản phẩm nhằm hướng tới bảo tồn sức mạnh văn hóa nội sinh.

Đồng thời cải tạo nâng cấp hoàn thiện các công trình dự án, chỉnh trang diện mạo văn minh đô thị, văn hóa nông thôn, kích thích đầu tư phát triển sản phẩm ngành nghề gắn liền với tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.