Đưa hàng Việt về thị trường nông thôn: Dư địa lớn nhưng không dễ khai thác

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh các kênh phân phối ở khu vực thành thị đang dần rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, thì nông thôn là dư địa cho hàng Việt Nam phát triển. Mặc dù rất tiềm năng nhưng không phải DN Việt nào cũng dễ dàng tiếp cận và khai thác thành công.

Nhiều khó khăn
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, hiện thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện qua đó đã thu hẹp khoảng cách về nhu cầu mua sắm giữa thành thị và nông thôn. Theo khảo sát, người dân nông thôn hiện có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị. Tiềm năng là vậy nhưng khai thác thị trường này lại không dễ dàng. Nguyên nhân chính là bởi thói quen của người tiêu dùng nông thôn muốn sử dụng hàng giá rẻ, không quan tâm nhiều đến chất lượng và xuất xứ. Bên cạnh đó, các DN lại chưa có nhiều đại lý phân phối tại thị trường nông thôn nên việc cung ứng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Người tiêu dùng huyện Thạch Thất mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn huyện. Ảnh: Lê Nam
Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội Trương Thị Thạch cho biết, để xây dựng được hệ thống phân phối về nông thôn đòi hỏi chi phí tài chính và nhân lực lớn. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển một chuyến bán hàng về các xã gần trung tâm TP, DN đã mất 4 - 5 triệu đồng (chưa kể đến các xã vùng sâu, vùng xa), rồi chi phí nhân công lắp đặt gian hàng khoảng 5 - 7 triệu đồng... Chi phí lớn nên đòi hỏi doanh thu mỗi chuyến bán hàng về nông thôn phải đạt từ 150 - 170 triệu đồng mới có thể hòa vốn. Tuy nhiên, trên trên thực tế, doanh thu trung bình mỗi phiên chợ Việt chỉ đạt hơn 100 triệu đồng.

Cùng chung nhận định trên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết thêm, thị trường nông thôn hiện được coi là dư địa lớn để tiêu thụ hàng Việt. Tuy nhiên, do không có lãi nên hiện chỉ các DN thật sự vì cộng đồng mới “mặn mà” tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các DN bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài ít quan tâm và tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn.

Không chỉ do chi phí đầu tư lớn, nhiều DN còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng bán hàng tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều DN không nhận được sự ủng hộ của các hộ kinh doanh tại đây do lo ngại mất thị phần. Vì vậy, việc thuyết phục tiểu thương làm đại lý tiêu thụ sản phẩm mới không hề dễ dàng bởi thói quen kinh doanh.

Liên kết để xây dựng hệ thống bán hàng

Các chuyên gia bán lẻ cho rằng, khi DN sản xuất, bán lẻ tiếp cận thị trường nông thôn, trước hết phải xác định được đâu là điểm cần tập trung tổ chức điểm bán hàng. DN không nên tham vọng phủ hàng hết các cửa hàng đang có ở thị trường nông thôn. Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam Nguyễn Anh Dũng cho rằng: Việc hiểu rõ khách hàng nông thôn mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của DN bán lẻ. Bên cạnh đó, DN phải có sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, khẩu vị, thói quen người tiêu dùng trong khu vực. Ngoài ra, chính sách định giá cũng cần phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của người dân từng vùng. Đồng thời cần đưa ra chiến lược phát triển phù hợp và xem đây là thị trường chủ chốt cho tăng trưởng của DN trong tương lai.

Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định: Muốn chiếm lĩnh thị trường nông thôn, DN phải có chiến lược kinh doanh bài bản trong đó chú ý xây dựng hệ thống bán hàng mới, đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Các DN sản xuất và phân phối cần đẩy mạnh liên kết trong quá trình xây dựng hệ thống bán hàng. Khi đã có hệ thống bán hàng xuyên suốt, DN sẽ ổn định sản xuất, đầu tư nâng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Muốn chiếm lĩnh thị trường nông thôn đòi hỏi DN sản xuất và bán lẻ cần chú ý tới những sản phẩm mà ở đây chưa có, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn giá bình dân, chất lượng bảo đảm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người dân tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, DN cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người dân, không ham giá rẻ mà mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.