Đua mở ngành mới để “hút” thí sinh

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa tuyển sinh năm 2019, nhiều trường đại học (ĐH) mở thêm các ngành và chương trình mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh lại băn khoăn về chất lượng đào tạo của ngành mới cũng như cơ hội việc làm khi thị trường nhân lực trong nước luôn biến động.
Đón đầu kỷ nguyên số
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mùa tuyển sinh 2019, bên cạnh những ngành đào tạo truyền thống, một số trường ĐH tiếp tục mở thêm ngành và chương trình mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực đang rất cần.
Đơn cử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội mở ngành Nhật Bản học và 3 chương trình đào tạo chất lượng cao (Báo chí, Khoa học quản lý, Quản lý thông tin); ĐH Hà Nội mở ngành Truyền thông đa phương tiện và Marketing; ĐH Thủy lợi mở ngành Kỹ thuật Ô tô; ĐH Lâm nghiệp mở ngành Du lịch sinh thái…
Bên cạnh đó, một số trường ĐH hàng đầu còn mở những chương trình chất lượng cao. GS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, năm nay nhà trường đột phá mở 7 chương trình mới, bao gồm: Khoa học dữ liệu trong Kinh tế & Kinh doanh, Kinh doanh số, Phân tích kinh doanh, Quản trị chất lượng và Đổi mới, Công nghệ tài chính, Đầu tư tài chính, Quản trị khách sạn quốc tế. Các chương trình mới có điểm chung là học bằng tiếng Anh, có tính liên thông quốc tế, liên ngành và phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số. Các chương trình này đều có người nước ngoài giảng dạy với tỷ lệ khác nhau.
Trong tổng số 6.680 chỉ tiêu dự kiến, mùa tuyển sinh 2019, ĐH Bách khoa Hà Nội triển khai 5 chương trình tiên tiến (Hệ thống nhúng thông minh và IoT, Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, Kỹ thuật Hóa - Dược, Kỹ thuật Thực phẩm, Phân tích kinh doanh), một chương trình đào tạo chuẩn ngành Công nghệ Giáo dục và một chương trình hợp tác đào tạo quốc tế ngành Cơ điện tử.
“Các chương trình mới đều được giảng dạy bằng tiếng Anh theo modem của chương trình tiên tiến trước đây. Tuy nhiên, mỗi chương trình có nội dung đào tạo được xây dựng dựa trên sự liên kết với một trường ĐH danh tiếng ở nước ngoài nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam lại không mất đi tính hiện đại của nó” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho hay.
Cơ hội cho những thí sinh mạnh dạn
Chỉ còn vài ba tháng nữa là đến mùa tuyển sinh 2019 nên nhiều thí sinh rất băn khoăn trong việc đăng ký chọn ngành, chương trình mới. So với những ngành truyền thống, nếu thí sinh chọn chương trình mới sẽ không có bảng điểm trúng tuyển năm trước để tham khảo, so sánh với lực học của mình để biết khả năng đỗ thế nào.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Các thí sinh cũng khó có thể biết được nhu cầu nhân lực việc làm của ngành này mấy năm nữa ra sao khi thị trường việc làm luôn thay đổi. Tuy nhiên, theo phản hồi của các trường, trước khi có ý định mở ngành, chương trình mới, họ đều đã thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của cựu sinh viên đã ra trường đi làm, DN... Vì thế, “khi học chương trình mới, sinh viên không phải lo lắng về tìm việc trong tương lai bởi các em có hai lợi thế so với các ngành truyền thống, đó là học bằng tiếng Anh nên khả năng sử dụng tốt và nội dung đào tạo phù hợp với thị trường lao động” - PGS Triệu khẳng định.
Đồng thời, những ngành mới mở có điểm trúng tuyển chắc chắn không cao so với những ngành hot. Cũng bởi những thí sinh ở quê ít tiếp xúc được thông tin sẽ lựa chọn ngành truyền thống cho an tâm. Vì thế, ngành mới là lợi thế cho những thí sinh mạnh dạn đăng ký, các em chỉ mất thêm lệ phí đăng ký xét tuyển.
Trước băn khoăn của thí sinh về chất lượng đào tạo của ngành mới mở, PGS Nguyễn Phong Điền phản hồi bằng một thực tế: Tuy rằng Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo là ngành đào tạo của tương lai, đã có từ lâu nhưng trường Bách khoa Hà Nội hết sức cân nhắc. Bởi muốn đào tạo có chất lượng, trường phải chuẩn bị đội ngũ giảng viên có chất lượng cùng với các yếu tố khác đến giai đoạn này chín muồi mới mở và tuyển sinh.
Trao đổi thêm về việc lựa chọn ngành, chương trình, nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông Điền khuyên thí sinh không nên chạy theo số đông mà hãy lắng nghe bản thân xem mình yêu thích ngành, chương trình nào sẽ là động lực cho mình học tập trong 4 - 5 năm. Việc lựa chọn ngành nghề còn phụ thuộc vào năng lực học tập của bản thân.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng khuyến nghị, có những khi chúng ta lầm tưởng học ngành hot, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ bảo đảm 100% tương lai việc làm rộng mở. Điều này không hẳn thế, có việc làm không chỉ phụ thuộc vào kiến thức ngành nghề mà còn bởi những kỹ năng được hình thành trong suốt quá trình học tập. Một số ngành được coi là cổ điển nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế đất nước nên nếu thí sinh đăng ký xét tuyển thì cơ hội việc làm không hẳn ít.