Đưa ngành tôm trở thành chủ lực trong nông nghiệp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/2, tại Cà Mau, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại diện các tỉnh, TP có nuôi tôm nước lợ ven biển từ Cà Mau đến Quảng Ninh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục tiêu đến năm 2030 mới đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD mà Bộ NN&PTNT đưa ra là quá thấp. Thủ tướng nêu rõ, riêng Cà Mau đến năm 2021 đã có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, còn lại 27 tỉnh, thành có biển và rất nhiều DN lớn thì phải đạt mục tiêu 10 tỷ USD sớm hơn. Thủ tướng đặt vấn đề chậm nhất là đến năm 2025, xuất khẩu tôm phải đạt 10 tỷ USD, trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam.
Về một tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm. Thủ tướng nhấn mạnh, cần Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan gian hàng thực phẩm được chế biến từ tôm.
Đồng tình với đề xuất về việc hình thành mô hình DN xã hội trong ngành tôm, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến chìa khóa để phát triển ngành tôm của Việt Nam. Đó là tận dụng những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện toán đám mây phục vụ ngành tôm.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 2 loài tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ XX). Từ năm 1998, tôm chân trắng bắt đầu được du nhập Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, con tôm là sản phẩm có giá trị, được ngành nông nghiệp lựa chọn là một trong các đối tượng chủ lực mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản và nông nghiệp nói chung. Hiện nay, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 7 tỷ người. “Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc bị khủng hoảng về giá” - ông Cường cho hay.
 
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất phù hợp để nuôi tôm. Xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm hoặc nhiều diện tích cần phải chuyển đổi sang nuôi tôm để thích ứng. Diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000 - 1.000.000ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về khoa học công nghệ, ông Cường cho biết, đã xuất hiện một số DN lớn xúc tiến việc nghiên cứu chọn tạo con giống kháng bệnh, tăng trưởng nhanh, dùng chế phẩm vi sinh thay thế hóa chất, thuốc để hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt, hệ thống chế biến với 350 nhà máy, công suất 1,4 triệu tấn đạt trình độ tiên tiến của khu vực, thế giới và các DN chế biến xuất khẩu năng động, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD, đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 8 - 10 tỷ USD.