Đưa nước sạch về nông thôn: Sớm gỡ vướng mắc, mạnh tay với chủ đầu tư yếu kém

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hết năm 2023, Hà Nội vẫn còn 124 xã chưa có nước sạch, trong đó có xã là nông thôn mới kiểu mẫu - một con số đáng để suy ngẫm so với mục tiêu 98 - 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2025.

Đơn vị trúng thầu năng lực yếu kém

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP Hà Nội, sự nỗ lực của các đơn vị có liên quan, Hà Nội đã có thêm 15 xã được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung, nâng tổng số xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung lên 289/413 xã. Hiện nay, còn 124 xã chưa có nước sạch. Điều đáng nói, nguyên nhân của tình trạng trên các đơn vị có liên quan đã biết, đã có đề xuất tháo gỡ, giải quyết nhưng đến thời điểm này đây vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Thi công lắp đặt hệ thống nước sạch tại xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thanh Bạch
Thi công lắp đặt hệ thống nước sạch tại xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thanh Bạch

Đơn cử, tại huyện Đông Anh - đơn vị đã hoàn thành hồ sơ trình cấp trên công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và các tiêu chí trở thành quận, song đến thời điểm này, người dân tại một số xã như Liên Hà, Vân Hà vẫn chưa được tiếp cận nước sạch dù dự án đã có từ lâu. Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, nguyên nhân của tình trạng trên là năng lực yếu kém của đơn vị trúng thầu và các vướng mắc khác. Huyện Đông Anh đã có báo cáo, nhưng chưa được tháo gỡ.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, theo chia sẻ của một lãnh đạo huyện, hiện nay, Đan Phượng đã có 100% xã nông thôn mới kiểu mẫu nhưng còn một nửa số xã chưa có nước sạch. Mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là năng lực của các đơn vị “trúng thầu” đầu tư mạng lưới nước sạch nông thôn các xã trên địa bàn đều rất yếu, triển khai chậm.

Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức… Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan, hiện nay, huyện còn 10 xã chưa có nước sạch. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn mới đạt 43%; Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường chia sẻ, 3 xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu mới cấp nước sạch ở khu vực trong đê, phần ngoài đê chưa có. Để cấp nước cho các thôn ngoài đê của 3 xã thì phải xây dựng các trạm tăng áp, huyện đã giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chậm khởi công gây khó khăn trong việc bảo đảm cuộc sống của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, những tồn tại, bất cập trên không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại và trở thành rào cản đưa nước sạch về với các vùng nông thôn, xã ngoại thành của Thủ đô trong nhiều năm qua. Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, các đơn vị chức năng cần nghiêm túc, kiểm tra, kiên quyết loại bỏ những đơn vị năng lực yếu, kém… để bảo đảm tiến độ của các dự án.

Xem xét trách nhiệm của các đơn vị có liên quan

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong thực hiện đầu tư mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, trong đó có nguyên nhân đến từ các DN trúng thầu. Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2021, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP Hà Nội điều chỉnh lại vùng cấp nước để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Trong đó, UBND TP đã giao 10 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn triển khai cấp nước cho các xã theo hình thức xã hội hóa, thời gian hoàn thành là năm 2025.

Trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Trọng Tùng
Trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Trọng Tùng

Về việc chậm trễ trong triển khai các dự án cấp nước sạch cho một số khu vực nông thôn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các sở, ngành liên quan và yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; có giải pháp, lộ trình triển khai để hoàn thành sớm tiêu chí này. Cùng với đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp nước đã được UBND TP chấp thuận, bảo đảm hoàn thành cấp nước sạch cho 124 xã còn lại trong năm 2024.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chia sẻ, sở dĩ việc “phổ cập” nước sạch đến khu vực nông thôn, ngoại thành còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu là do DN chưa làm đã thấy lỗ.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, hiện nay, ở nông thôn, ngoại thành nhiều hộ gia đình chỉ sử dụng nước sạch cho việc ăn uống nên mức tiêu thụ nước rất thấp (chủ yếu dưới 10m3)… Trong khi đó, những chi phí về đầu tư, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phát triển hệ thống đường ống dẫn đến trước đồng hồ nước vào nhà dân lớn… khiến lợi nhuận thu lại từ việc cung cấp nước sạch không đáp ứng được chi phí mà DN phải bỏ ra.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, để khắc phục tình trạng này, trong những năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra hàng loạt biện pháp, giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho các DN đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch. Thế nhưng, đến thời điểm này hiệu quả đem lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án mở rộng mạng lưới cấp nước, TP Hà Nội cần kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, kiên quyết thu hồi các dự án mà chủ đầu tư năng lực kém để bảo đảm tiến độ đề ra.

 

Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP Hà Nội xác định hoàn thành 2 dự án phát triển nguồn nước sạch, gồm: Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày - đêm) và Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất từ 300.000m3/ngày - đêm lên 600.000m3/ngày - đêm. Đồng thời, TP triển khai hệ thống cấp nước Xuân Mai, dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long -Vân Trì và nghiên cứu dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đuống.