Đưa pháp luật đến gần với dân hơn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 4 năm triển khai, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) đã được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng tích cực.

Đây còn là ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đưa pháp luật đến gần với dân hơn. Nhiều mô hình mới đã ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Trong đó, có các mô hình thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức ngày hội pháp luật, ngày tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí; mô hình đối thoại chính sách pháp luật; mô hình tiết học pháp luật, tuần lễ công dân…
 Tại Hà Nội, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tập trung cao điểm từ ngày 6 - 11/11 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP chủ động xác định hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Mặc dù có nhiều mô hình, cách làm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nhưng các mô hình, cách làm đó đều có điểm chung là gắn kết rất chặt chẽ với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, hướng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Mục tiêu chung của các mô hình này đều khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong quản lý Nhà nước và xã hội; tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, góp phần xây dựng, thi hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất là việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chưa trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày và chưa thực sự trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cá nhân. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiện đang được tập trung triển khai ở khu vực đô thị, các TP lớn trong tuần lễ cao điểm mà chưa đi sâu, bám rễ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Một số hoạt động hưởng ứng còn theo phong trào, nội dung chưa sát với nhu cầu thực tiễn, cách làm còn khô cứng, ít sáng tạo. Ngoài ra, các nguồn lực xã hội là rất lớn nhưng vẫn chưa khai thông, thu hút và huy động để Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự là ngày hội của toàn dân.
Mặc dù nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên, nhưng tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và các hiện tượng lệch chuẩn xã hội khác vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật bị áp dụng các biện pháp xử lý vẫn còn. Do đó, cần phải tiếp tục khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để đây thực sự là ngày tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho mọi người trong đời sống xã hội, phát huy vai trò của pháp luật trong quản lý Nhà nước và xã hội cũng như trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, DN.