Đức giới thiệu cây công nghệ "ăn" không khí ô nhiễm tại đô thị

Phương Dung (Theo Seeker, CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty Green City Solutions ở Berlin (Đức) đã phát minh sản phẩm CityTree - một bức tường lá cây công nghệ, giúp xóa bỏ những hạt phân tử độc hại, và có khả năng lọc không khí tương đương 275 cây xanh ở đô thị.

Theo thống kê, ô nhiễm không khí khiến hơn 7 triệu người chết mỗi năm. Ước tính đến năm 2050, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ là cư dân đô thị. Vì vậy, việc làm sạch không khí ở các thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường xanh và thân thiện cho người dân.
 CityTree được lắp đặt tại thủ đô Berlin, Đức.
“Việc giảm ô nhiễm không khí có thể cứu sống hàng triệu người” - Denes Honus, một trong các nhà khoa học sáng tạo ra sản phẩm CityTree - nói.
Sản phẩm CityTree - Cây công nghệ là một hình khối phủ rêu xanh tích hợp cảm biến và công nghệ Internet of Things (IoT- Internet vạn vật), có thể giúp làm sạch không khí tại các đô thị. Cây công nghệ có khả năng làm sạch không khí cực mạnh với mức giá 25.000 USD, có kết cấu nhỏ gọn, thân thiện với môi trường ở các thành phố.
"Cây công nghệ" CityTree cao 4m, rộng khoảng 3m và được chôn sâu 2,19m. Có 2 mẫu sản phẩm, một loại có ghế băng kèm theo và một loại không có. Trên mỗi CityTree được tích hợp màn hình lớn nhằm hiển thị thông tin thời tiết, giao thông đô thị hay quảng cáo. Để giám sát hoạt động của CityTree, đơn vị thiết kế trang bị các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng nước. Ngoài ra, CityTree còn có một cảm biến đặc biệt giúp theo dõi chất lượng không khí xung quanh. Thông tin này có thể được hiển thị trên màn hình.
 CityTree tại thủ đô Brussels, Bỉ.
Ông Denes Honus, Giám đốc Công ty Green City Solutions cho biết: “CityTree được sáng tạo dựa trên công nghệ sinh học. Nền rêu đặc biệt của nó có khả năng “ăn” không khí ô nhiễm từ môi trường xung quanh. Ưu điểm của Cây công nghệ là không cần bảo trì thường xuyên”.
Nhóm nghiên cứu chọn giải pháp khối rêu bởi loài này có tổng diện tích lá bề mặt lớn hơn phần lớn các loại cây khác và hấp thụ được nhiều chất ô nhiễm hơn. Theo ông Honus, mỗi CityTree có thể hấp thụ 12,2kg bụi và các chất độc hại khác như nitơ dioxit, đặc biệt có thể loại bỏ 240 tấn CO2 mỗi năm.
Mỗi CityTree có khả năng giảm khoảng 30% mức ô nhiễm không khí ở phạm vi bán kính 50m. Hiệu quả hút bụi và chất độc của mỗi sản phẩm này tương đương 275 cây xanh lâu năm nhưng chi phí thấp hơn tới 95%, và đặc biệt chỉ chiếm một diện tích nhỏ hơn đến 99%, theo nhóm nghiên cứu.
CityTree có thiết kế là một chiếc máy được trang trí hình lá cây. Việc vận hành CityTree hoàn toàn tự động, sử dụng năng lượng từ những tấm pin mặt trời.
 Cây công nghệ được lắp đặt tại Macedonia.
Zhengliang Wu, đồng sáng lập của Green City Solutions, đơn vị quản lý dự án, cho biết: “Những chiếc lá công nghệ này có diện tích bề mặt lớn hơn những chiếc lá trong tự nhiên, điều này giúp loại bỏ nhiều chất ô nhiễm hơn”. CityTree có bề mặt tiếp xúc với không khí lớn nên mỗi chiếc "lá cây" có thể loại bỏ được khí bụi, nitơ và khí ozone trong không khí.
Theo ông Honus, CityTree đã xuất hiện tại một loạt thành phố lớn trên thế giới như Oslo (Thụy Điển), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Hồng Kông (Trung Quốc) và mới nhất là Glasgow (Scotland)...
Trong thời gian sắp tới, Green City Solutions dự kiến sớm giới thiệu sáng chế của mình ở Ấn Độ, nơi mà mức độ ô nhiễm không khí đã đạt đến ngưỡng báo động nguy hiểm. Hiện đã có 20 chiếc CityTree được lắp đặt ở các thành phố lớn trên thế giới.