Đức xây dựng cơ sở sản xuất đạn pháo giúp Ukraine

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột Nga - Ukraine đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách quốc phòng của Đức.

Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức hôm 15/12 quyết định mở dây chuyền sản xuất đạn pháo mới, trong đó có đạn 20-35 mm dành cho tổ hợp pháo phòng không Gepard mà nước này viện trợ cho Ukraine.

Cơ sở này sẽ bắt đầu sản xuất đạn pháo từ tháng 6/2023, song chưa rõ địa điểm. Rheinmetall cho biết dây chuyền mới sẽ giúp “khôi phục năng lực phòng thủ của quân đội Đức và lấp đầy khoảng trống do hỗ trợ Ukraine gây ra”.

Hệ thống pháo phòng không Gepard của quân đội Ukraine, tháng 10/2022. Ảnh: Bild 
Hệ thống pháo phòng không Gepard của quân đội Ukraine, tháng 10/2022. Ảnh: Bild 

Trước đó, Đức đã chuyển một số tổ hợp pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard cho Ukraine. Tuy nhiên, khả năng sản xuất đạn pháo 35mm cho các tổ hợp Gepard của Đức bị hạn chế và nước này đề nghị Thụy Sĩ cho phép chuyển 12.400 viên đạn cho Ukraine. Thụy Sĩ từ chối đề nghị với lý do thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng tới tính trung lập của nước này.

Vì thế, Rheinmetall tuyên bố thiết lập dây chuyền sản xuất mới nhằm “làm nguồn cung đạn dược cho Đức thoát khỏi phụ thuộc vào các địa điểm sản xuất ở nước ngoài”. Tập đoàn cho biết họ “có trách nhiệm giúp chính phủ liên bang khôi phục năng lực phòng thủ cần thiết của quân đội”.

Xung đột Nga - Ukraine đánh dấu bước ngoặt lớn trong chính sách quốc phòng của Đức, với việc Thủ tướng Olaf Scholz công bố quỹ trị giá 106 tỷ USD để nâng cấp lực lượng vũ trang nước này. Thủ tướng Scholz hồi tháng 9 tuyên bố sẽ biến quân đội Đức thành lực lượng được trang bị tốt nhất ở châu Âu.

Đức đã chuyển cho Ukraine pháo phòng không Gepard, lựu pháo tự hành PzH 2000, tên lửa phòng không IRIS-T, đạn chống tăng Panzerfaust 3 cùng ống phóng, tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và Strela, cùng nhiều vũ khí cá nhân, đạn dược và vật tư quân sự khác.

Hồi đầu tháng 12, Đức hứa sẽ chuyển thêm 7 pháo phòng không Gepard cho Ukraine, ngoài 30 hệ thống cùng loại mà Berlin viện trợ trước đó. Có trong tay loại vũ khí này sẽ giúp Kiev đối phó hiệu quả hơn trong giao tranh với Nga.

Pháo phòng không tự hành Gepard của quân đội Brazil đang được nạp đạn 35 mm. Ảnh chụp màn hình của Bộ Quốc phòng Brazil
Pháo phòng không tự hành Gepard của quân đội Brazil đang được nạp đạn 35 mm. Ảnh chụp màn hình của Bộ Quốc phòng Brazil

Theo hãng thông tấn Reuters, thông tin trên được đăng trên một trang web của chính phủ Đức. Dù không nói rõ khi nào sẽ giao 7 hệ thống Gepard bổ sung, nhưng chính phủ Đức cũng đề cập việc bàn giao phụ thuộc vào biện pháp sửa chữa hoặc tình trạng sản xuất hiện nay.

Trong khi đó, tạp chí Spiegel loan tin 7 hệ thống Gepard mà Berlin định giao cho Kiev đang được nhà sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann (KMW) có trụ sở tại Munich sửa chữa và dự kiến bàn giao vào mùa xuân năm 2023, nhằm giúp Ukraine bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng trước các cuộc pháo kích của Nga, Reuters dẫn lại thông tin từ Spiegel.

Việc cung cấp đạn pháo Gepard đã được chứng minh là có vấn đề khi Thụy Sĩ từ chối cung cấp loại đạn dược này cho Ukraine, viện dẫn tình trạng trung lập của mình, theo Reuters.

Trong khi đó, phần lớn các hệ thống pháo do Đức cung cấp đang cần sửa chữa do được sử dụng nhiều ở mặt trận phía đông Ukraine. Có thông tin cho rằng mỗi khẩu pháo tự hành này được Ukraine bắn đến 300 quả đạn mỗi ngày khiến chúng bị hao mòn nhanh.

Cùng ngày 15/12, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết Mỹ tuyên bố sẽ mở rộng huấn luyện cho các sĩ quan Ukraine tại Đức, với trọng tâm là diễn tập chung và các hoạt động vũ trang kết hợp.

Các binh sĩ thuộc đội rà phá bom mìn Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ukraine trên một bãi mìn hôm 12/12. Ảnh: Reuters
Các binh sĩ thuộc đội rà phá bom mìn Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Ukraine trên một bãi mìn hôm 12/12. Ảnh: Reuters

Chương trình dự kiến nhận huấn luyện xấp xỉ 500 quân nhân Ukraine mỗi tháng và sẽ khởi động tại Đức trong tháng 1/2023, Reuters đưa tin.

“Chuyển giao thiết bị cho Ukraine là nội dung đáng được quan tâm, nhưng huấn luyện vẫn luôn là yếu tố cần thiết nhằm đảm bảo Ukraine có đủ lực lượng tinh nhuệ để phòng vệ hiệu quả hơn. Huấn luyện vũ khí kết hợp là bước tiếp theo trong nỗ lực đào tạo liên tục của chúng tôi,” ông Ryder nói, đề cập đến việc đào tạo sử dụng nhiều vũ khí cùng lúc.

Lầu Năm Góc cho biết Bộ Chỉ huy Huấn luyện Lục quân số 7 có trụ sở tại Grafenwoehr, Đức, sẽ thực hiện chương trình này tại các khu huấn luyện của Mỹ ở Đức.

Hơn 15.000 binh sĩ Ukraine đã được Mỹ và các đồng minh huấn luyện kể từ tháng 4.

Mỹ từng có những chương trình huấn luyện với tính chất và quy mô tương tự cho quân nhân Ukraine trên lãnh thổ Ukraine những năm qua. Tuy nhiên, các chương trình này buộc phải tạm ngưng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Vài tuần trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Mỹ đã rút toàn bộ quân khỏi Ukraine.