Đừng “cố đấm ăn xôi”…

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện “đầu vào sư phạm” lại tiếp tục om sòm ở đợt xét tuyển thứ 2 của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Không om sòm mới lạ khi mà sau bao nhiêu bàn cãi ngược xuôi, tranh luận lên xuống, thì năm nay nhiều trường đại học lại lấy điểm trúng tuyển các ngành sư phạm ngang sàn của Bộ GD&ĐT.
Chính những người trong cuộc “trồng người” còn cảm thấy thất vọng, nói gì đến dư luận xã hội – những bậc làm cha mẹ quanh năm chăm chăm lo kinh tế để gửi con vào tay những người làm nghề giáo mong ngày con nên người. Bởi 3 điểm/môn đã đỗ vào ngành sư phạm, thì lấy đâu ra nền tảng để đào tạo được những giáo viên đủ chất lượng, chứ chưa dám nói đến giáo viên giỏi. Thế nên dễ hiểu vì sao mà vị Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng “Chất lượng đầu ra sẽ… hỏng”, còn vị nguyên Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội thì gay gắt: “Không thể chấp nhận được!”. Bởi, một thế hệ thầy tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc.
Nhớ lại một dạo ngành sư phạm “hot” trở lại khi Nhà nước áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm nhằm thu hút người giỏi vào ngành. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bởi sự thực, những người giỏi mà không khó khăn về kinh tế thì cũng... “bỏ qua” sư phạm để cập bến những ngành nghề đang hấp dẫn trong thời hiện đại. Thế mới hiểu lời giải cho bài toán hóc búa này không nằm ở phần ngọn là đầu vào sư phạm, mà ở những điều căn cốt hơn thế.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng: Nếu đầu vào quá thấp không nên đào tạo, nhất là khi giáo viên còn thất nghiệp nhiều mà tiếp tục đào tạo tràn lan chỉ thêm gánh nặng cho xã hội; Trường sư phạm nên ngừng tuyển những người có điểm đầu vào thấp… Và cũng phải nhìn nhận từ sâu xa về chính sách và vị thế của giáo viên trong xã hội. Nhà giáo đang bị đặt trong hoàn cảnh lương không đủ sống, sinh viên ra trường lại khó xin việc thì làm sao có thể kêu gọi được người giỏi vào ngành sư phạm để có đầu vào chất lượng. Còn bản thân các trường đào tạo sư phạm, cứ biết tuyển cho đủ chỉ tiêu để tồn tại, bất chấp chất lượng đầu vào ra sao. Có lẽ đúng như một chuyên gia “hiến kế”, khi chưa có chế độ đãi ngộ cao thì phải khẩn trương thực hiện quy hoạch đào tạo và sử dụng giáo viên phù hợp, không đào tạo quá nhiều dẫn đến dư thừa trầm trọng nguồn giáo viên như thời gian qua. Có như vậy mới thực hiện được chiến lược “đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Hãy nhìn ra thế giới, tất cả các quốc gia như Nga, Đức, Pháp, Hàn Quốc… đều quan tâm đặc biệt đến giáo dục sư phạm. Bởi người thầy chính là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Vậy thì trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà ta đang tiến bước, người làm giáo dục hãy mạnh mẽ giải bài toán đào tạo sư phạm hóc búa bao nhiêu năm nay. Đừng “cố đấm ăn xôi” tuyển cho đủ chỉ tiêu vào các ngành sư phạm để rồi cho ra “xôi hẩm”, ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục.