Dùng điện thoại “quét” nguồn gốc thực phẩm

Hải Lý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothhi - Chỉ bằng thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

Đây là điểm mới được triển khai tại siêu thị "Bữa ăn an toàn" số 2 vừa khai trương cuối tuần qua ở Tòa nhà Vinaconex 2, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Hệ thống siêu thị này hoạt động dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý gồm: Sở Y tế, Sở NN&PPNT, Sở Công Thương, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội.
Rõ nguồn gốc lại được tư vấn dinh dưỡng
Siêu thị "Bữa ăn an toàn" nằm trong Chương trình "Bữa ăn an toàn" giai đoạn 2017 - 2020 được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhằm giúp người tiêu dùng tìm được địa chỉ thực phẩm an toàn có nguồn gốc rõ ràng. Chương trình cũng giúp nhà sản xuất, kinh doanh có điều kiện, cơ hội thuận lợi để tiêu thụ thực phẩm an toàn có kiểm soát.

Người tiêu dùng quét mã xác thực truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh tại siêu thị. Ảnh: Hải Lý

Đến với hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng có thể chọn ứng dụng “Bữa ăn an toàn” trên điện thoại thông minh, quét mã xác thực trên tem “Bữa ăn an toàn” là có thể biết rõ các thông tin về nguồn gốc thực phẩm đã mua. Đây cũng là cách để nhà quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ngoài việc cung cấp thực phẩm an toàn cho cư dân tại các siêu thị, Ban Chỉ đạo Chương trình còn phối hợp với nhiều chuyên gia dinh dưỡng tổ chức xây dựng các gói combo “Bữa ăn an toàn” khác nhau phù hợp với quy mô từng hộ gia đình. Mỗi sản phẩm được thiết kế nhằm đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng mọi thành phần cho các gia đình từ 2 người cho tới 4 - 6 người. Gói combo này sẽ được giao tận nơi đến khách hàng 2 lần mỗi tuần và sẽ có sự kết hợp, thay đổi khoa học để tránh trùng lặp nhàm chán giữa các loại thực phẩm và đảm bảo cung cấp các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho người tiêu dùng.
Bảo đảm quyền lợi cho khách hàng
Đặc biệt, nếu xảy ra khiếu nại, nhà cung cấp phải có mặt tại điểm bán hàng trong vòng 2 tiếng để giải quyết kịp thời, đồng thời lấy mẫu để phân tích, tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu sản phẩm hỏng do bảo quản, nhà cung cấp phải khắc phục và đền bù ngay cho người tiêu dùng. Nếu sản phẩm hỏng do chất lượng, vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhà cung cấp phải phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình thực hiện niêm phong hàng, không được quyền cung cấp sản phẩm trên toàn bộ hệ thống của siêu thị “Bữa ăn an toàn", đồng thời sẽ công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.
Sau gần 3 tháng triển khai chương trình “Bữa ăn an toàn”, hệ thống siêu thị “Bữa ăn an toàn” đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người nội trợ Thủ đô lựa chọn thực phẩm an toàn. Theo thống kê, mỗi ngày, siêu thị cung cấp ra 4 - 5 tạ rau, củ, quả, 2 - 3 tạ thịt cùng nhiều mặt hàng trái cây, đồ khô, các loại gia vị khác. Bà Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, đơn vị phối hợp chủ trì chương trình cho rằng: “Hệ thống siêu thị “Bữa ăn an toàn” luôn hướng tới việc giúp người dân Thủ đô có một bữa ăn thực sự an toàn và chất lượng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân nhận biết rõ về chất lượng, nguồn gốc và lựa chọn thực phẩm an toàn đáp ứng được bữa ăn hàng ngày”.
Đặc biệt, nếu xảy ra khiếu nại, nhà cung cấp phải có mặt tại điểm bán hàng trong vòng 2 tiếng để giải quyết kịp thời, đồng thời lấy mẫu để phân tích, tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu sản phẩm hỏng do bảo quản, nhà cung cấp phải khắc phục và đền bù ngay cho người tiêu dùng. Nếu sản phẩm hỏng do chất lượng, vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhà cung cấp phải phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình thực hiện niêm phong hàng, không được quyền cung cấp sản phẩm trên toàn bộ hệ thống của siêu thị “Bữa ăn an toàn", đồng thời sẽ công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng.
Dự kiến, hệ thống siêu thị “Bữa ăn an toàn” sẽ tiếp tục được khai trương tại quận Thanh Xuân và Đống Đa từ nay đến hết tháng 11.
Tới thời điểm này, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ. Trong khi tại TP Hồ Chí Minh, mô hình này áp dụng đầu tiên cho thịt lợn tại các chợ thì 350 mặt hàng của 6 cơ sở sản xuất tại Hà Nội sẽ được dán tem truy xuất và bán qua các nhà phân phối.