Đừng làm rối thị trường lao động

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một bài viết mới đây, trên trang cá nhân, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam đã viết với câu cảm thán như vậy, sau hiện tượng nhiều năm gần đây, nhiều y - bác sĩ ở đơn vị y tế công lập bỏ việc, chuyển sang y tế tư nhân.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, người có gần 40 năm công tác trong bệnh viện công, có tham gia khám chữa bệnh ở bệnh viện, phòng khám tư nhân nên khá hiểu về nội tình của ngành Y, của thầy thuốc với nhưng khó khăn của họ. Ông biết, ngoài việc do chế độ lương thưởng ở đơn vị y tế công thấp trong khi công việc quá tải, còn nhiều lý do khác, không đúng với quy luật thị trường, ở đây là thị trường lao động.

Ông viết: “Đã thành thông lệ, trong những năm gần đây cứ mỗi khi một bệnh viện mới ra đời dù là ở TP Hồ Chí Minh hay ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… sắp sửa ra đời là một lần thị trường lao động trong ngành Y tế lại rúng động vì những tin “bom tấn” như: “Bác sĩ X về làm trưởng khoa với mức lương 140 triệu đồng một tháng”; “nhân viên Y tuy chỉ là nhân viên marketing thường bậc trung cũng lãnh lương 40 triệu đồng một tháng, còn điều dưỡng thì phải trên 20 triệu”…

Không biết thực hư thế nào mà nhiều bệnh viện khác bị rúng động, nhân viên xôn xao, đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình bay tới tấp, giám đốc nhân sự nhăn mặt kêu trời và ký đơn mỏi tay (vì không ký cũng không được)”…

Đây là điều có thật, bởi mỗi bệnh viện được thành lập buộc phải đủ nhân sự theo quy định, tùy theo quy mô, chức năng của bệnh viện đó. Thế là, các bệnh viện chuẩn bị thành lập bao giờ cũng âm thầm cho người đi mời các y - bác sĩ về với họ, chủ yếu là y - bác sĩ đang làm ở bệnh viện công.

BS Nguyễn Hoài Nam mô tả: “Một vị giám đốc một bệnh viện nọ nói họ đang méo mặt vì kiểu làm việc như thế này, kiểu làm việc không giống ai hết cứ mang tiền và thu nhập khủng ra dụ và thế là cá cứ cắn câu dù biết rằng có khi là tham bát bỏ mâm”…

Một bác sĩ giám đốc bệnh viện tâm sự: “Vị giám đốc đơn vị kia ngang nhiên chèo kéo nhân viên của tôi, không thêm nói với tôi một câu, hứa cho họ là trưởng khoa, phó khoa… Tuy nhiên, khi họ về với đơ vị mới rồi thì chưa chắc đã tạo điều kiện tốt cho họ làm việc”.

Đó là một khía cạnh của vấn đề, chủ yếu xảy ra với các đối tượng là y - bác sĩ giỏi ở bệnh viện công. Nhiều người cho rằng, đã là quy luật thị trường, nếu bệnh viện công không đáp ứng đủ nhu cầu về cuộc sống cho họ, tất yếu họ sẽ ra đi tìm bến đỗ mới. Do vậy, chính bệnh viện công cũng phải tự nhìn nhận lại mình, như một vị giám đốc nói: “Bệnh viện nếu không chăm sóc tốt y - bác sĩ là nhân viên của mình thì đừng nói đến chăm sóc tốt người bệnh. Thầy thuốc không đủ cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần sẽ không thể chăm lo cho người khác được”.

Không phải bệnh viện nào cũng có quan niệm như vị giám đốc nói trên. Mong rằng, tư duy đúng đắn trên cần được hiểu và nhân rộng, bên cạnh đó, với những nhân viên bỏ việc hẳn, họ cần được hiểu, chia sẻ, và cần có chế độ lương, phụ cấp tốt hơn, phù hợp với tình hình xã hội hiện nay.