Đứng tim nhìn giá dầu đổ dốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong tuần thứ 2 của năm 2016, tại thị trường châu Á, giá dầu trong phiên giao dịch ngày 12/1 tiếp tục “đổ dốc” xuống còn dưới 31 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Động thái này một lần nữa khiến nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định “đứng tim” trước nguy cơ kịch bản giá dầu lùi về mốc 20 USD/thùng trở thành hiện thực, đe dọa “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu.

Dư cung, thiếu cầu

Kể từ lần đầu mất giá giữa năm 2014 đến nay, giá dầu đã mất tới hơn 70% giá trị chủ yếu do dư cung, cầu yếu; đồng USD tăng mạnh và Nhân dân tệ (NDT) mất giá; bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và cuộc đối đầu giữa Nga – phương Tây… Có lẽ chưa bao giờ, thế giới lại thừa nhiều dầu như bây giờ khi các quốc gia xuất dầu tăng sản lượng để bù đắp nguồn thu, Iran quay trở lại thị trường dầu thế giới hay dự trữ của Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 80 năm qua.
Mây đen đang bao trùm thị trường dầu và nền kinh tế thế giới.
Mây đen đang bao trùm thị trường dầu và nền kinh tế thế giới.
Ước tính trong năm 2015, mỗi ngày thế giới lại thừa thêm 1,5 triệu thùng dầu và tình hình này chắc chắn sẽ tái diễn trong năm nay sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) bỏ trần sản lượng vào cuối năm ngoái, còn các nhà sản xuất dầu tại Mỹ vẫn giữ nguyên kế hoạch duy trì khai thác dầu ở mức sản lượng hiện tại. Trong khi đó, nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tình trạng đình trệ sản xuất và tăng trưởng kém ổn định của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ dầu lớn của thế giới vẫn quá thấp để “xử lý” được lượng dầu dư thừa.

Áp lực đẩy giá dầu về mức 20 USD/thùng còn do sự mạnh lên của đồng USD và sự yếu đi của đồng NDT và các yếu tố phi nền tảng khác. Theo phân tích của ngân hàng Morgan Stanley, nếu đồng USD tăng giá 5%, dầu sẽ giảm từ 10 - 25%. Và chính tình trạng giá dầu neo vào đồng USD đã dẫn đến bi kịch của thị trường dầu mỏ khi nhà nhập khẩu không thể mua thêm dù dầu rẻ, vì USD trở nên đắt đỏ hơn trong khi các nhà xuất khẩu chỉ biết ngậm ngùi đứng nhìn.

Bi kịch của thị trường

Nếu như trước đây, các nước mới nổi được cho là kẻ thua cuộc lớn nhất trong việc giá dầu giảm sâu, thì nay nạn nhân lớn nhất của tình trạng “bốc hơi” hơn nửa giá trị của “vàng đen” là toàn bộ nền kinh tế thế giới. Chỉ trong vòng một năm qua, giá dầu tụt dốc đã khiến các quốc gia Vùng Vịnh giàu có mất trắng 360 tỷ USD, ngân sách Nga dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2019 nếu dầu duy trì ở vùng giá như hiện nay. Nhóm nước phát triển cũng bắt đầu cảm nhận được sức ép từ giá dầu khi giá dầu thấp đã khiến GDP Mỹ năm ngoái giảm 0,4% và điều tương tự dự kiến sẽ tái diễn trong năm nay. Trên thị trường chứng khoán, cú sốc từ giá dầu cũng làm tài sản của 400 người giàu nhất thế giới giảm 194 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Sau cú sốc giá dầu kéo dài suốt gần 3 năm qua, một quá trình điều chỉnh chính sách kinh tế của các nước được tiến hành và bắt đầu tác động đến “sức khỏe” kinh tế thế giới. Tại Trung Đông, các quốc gia giàu có Vùng Vịnh vốn “bạo chi” để giảm bất ổn xã hội đã buộc phải cắt giảm chi tiêu do hao hụt ngân sách vì nguồn thu từ dầu giảm tới một nửa. Động thái cắt giảm chi tiêu công của các nước Vùng Vịnh và nhiều quốc gia xuất dầu khác tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất, thị trường việc làm và tốc độ tăng trưởng của khu vực và cả thế giới.

Hụt thu, Việt Nam phải tăng thu nội địa

Việc giá dầu thô giảm trên thế giới khiến một số ngành sản xuất giảm giá thành và mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các DN. Tuy nhiên, các hoạch toán minh bạch để nộp ngân sách Nhà nước chưa được nhiều dù Bộ Tài chính khẳng định thu từ dầu thô đã không còn là nguồn có tỷ trọng lớn như 5 - 10 năm trước. Nếu giá dầu về ngưỡng 20 - 25 USD/thùng sẽ  ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách năm 2016, vốn được xây dựng với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính phải có giải pháp tăng thu nội địa từ 7 - 8% mới bù được phần hụt thu từ dầu. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất là thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, lấy nguồn thu và khả năng thu để từ đó xác định chi tiêu của mình trong phạm vi nguồn thu. Có như vậy mới làm giảm thấp được nợ công, nợ vay trong nước và nợ vay nước ngoài, từng bước cơ cấu ngay từ đầu năm và tiếp tục thúc ẩy tái cơ cấu DNNN, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần