Đừng trông chờ vào sự bảo hộ

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của loại hình taxi công nghệ, mà nổi bật nhất là Uber và Grab đang tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.

Trước khi đánh giá loại hình taxi công nghệ này, cần nhớ rằng Chính phủ mới đang cho phép một số TP thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Và đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét: “Mỗi việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực”.
 Uber Taxi phát triển nhanh chóng trong thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng taxi truyền thống. Ảnh: Chiến Công
Trên thực tế, Uber, Grab tồn tại được là vì đã đánh đúng vào thị hiếu của hành khách, hấp dẫn người dân bằng giá rẻ, xe đẹp, tiện ích… Đó lại là những điều taxi truyền thống còn xa mới đạt được. Kể từ khi Uber, Grab xuất hiện, thị trường taxi tại các đô thị lớn đã có sự thay đổi mạnh mẽ, ngoài Uber, Grab còn có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự. Hàng loạt phần mềm ứng dụng gọi xe taxi nội địa đã ra đời như: V.Car; Thanh Cong Car; M.Car… Điều đó cho thấy, chủ trương cho thí điểm ứng dụng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã tạo nên một cú huých vô cùng tích cực cho thị trường taxi trong nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích rất rõ vấn đề này trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Theo đó, qua việc đang triển khai thí điểm cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước. Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện đảm bảo sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
Vấn đề lớn nhất của taxi truyền thống chính là những ứng dụng nội địa họ xây dựng lên đều ra đời sau và chỉ được thôi thúc bởi sự xuất hiện của Uber, Grab. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự bị động và bảo thủ của các DN taxi khó có thể cầm chân xu thế phát triển tiến bộ lâu hơn nữa. Các DN taxi cần phải tự vận động, thay đổi chính mình để bắt kịp sự phát triển, chứ không nên chỉ đòi hỏi sự bảo hộ của Nhà nước. Hoặc taxi truyền thống phải giảm giá cước, nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các tiện ích văn minh để cạnh tranh lành mạnh với Uber, Grab; hoặc họ sẽ bị bỏ lại phía sau và sớm muộn cũng sẽ lụi tàn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc quản lý xe dưới 9 chỗ ngồi, thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các địa phương. Trong chuyến thăm trụ sở Tập đoàn Uber tại Hoa Kỳ mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với Uber nếu muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Hà Nội. Đó là Uber phải chia sẻ cơ sở dữ liệu để TP có thể quản lý được số lượng đầu xe, các cá nhân tham gia trong mạng lưới; phối hợp để quản lý thuế thu nhập của các đối tác tham gia theo đúng quy định của pháp luật. Cung cấp, cập nhật thông tin và thống nhất với TP về kế hoạch phát triển của Uber để bảo đảm không phá vỡ quy hoạch giao thông cũng như hệ thống dịch vụ vận chuyển hành khách trên địa bàn Thủ đô.