Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn:

Được hỗ trợ cơ chế, doanh nghiệp chỉ mất 1-2 tháng để hoạt động bình thường

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiến nghị tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản về cơ chế.

Sáng 17/2, Novaland cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền, vướng mắc pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland cho biết, sau 2 năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã bị bào mòn cộng thêm sự bất ổn của thế giới gây lạm phát tăng cao vào giữa cuối năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ra các đối sách và ngay lập tức tác động mạnh đến nhiều mặt của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, xây dựng…

Ông Bùi Thành Nhơn: Nếu được hỗ trợ về cơ chế, trong 1-2 tháng tới sẽ có vốn hoạt động bình thường. Ảnh: VGP
Ông Bùi Thành Nhơn: Nếu được hỗ trợ về cơ chế, trong 1-2 tháng tới sẽ có vốn hoạt động bình thường. Ảnh: VGP

Tham chiếu về việc đối phó với sự tác động của Covid-19, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 14/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp bất động sản cũng như Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp như vậy.

Theo đó, lãnh đạo Novaland khẳng định trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua. Cụ thể, Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị: Xin Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; Chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước. 

"Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay, nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng..." - ông Nhơn đề xuất. 

Theo ông Nhơn, hiện tại, Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.

Được hỗ trợ cơ chế, doanh nghiệp chỉ mất 1-2 tháng để hoạt động bình thường - Ảnh 1

Lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, phục hồi thị trường.

Riêng đối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm, nay doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất tăng cao thì các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc sửa đổi nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Với các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu, ông Bùi Thành Nhơn nói. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Người đứng đầu Novaland cũng đề xuất các cơ quan truyền thông của Chính phủ có chiến lược hỗ trợ xây dựng lại niềm tin cho thị trường theo xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp "người thật việc thật" đang tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững. Việc vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ giúp tháo gỡ tận gốc pháp lý cho các dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo thông thoáng môi trường đầu tư thu hút nguồn vốn FDI, giúp phát triển đô thị, tăng nguồn thu ngân sách.

"Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm" - Chủ tịch HĐQT Novaland nói và nhấn mạnh, với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác tư vấn hàng đầu như EY- Parthenon, KPMG…, Novaland đang quyết liệt tiến hành tái cấu trúc toàn diện nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp. Đồng thời nỗ lực cùng các đối tác, nhà thầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án đang triển khai để bàn giao sản phẩm cho khách hàng cũng như tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm khi các công trình xây dựng và đưa vào vận hành khai thác. Cũng như các doanh nghiệp cùng ngành, Novaland kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan ban ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.

Ngay sau kiến nghị của đại diện Novaland, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích thêm về nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, các chủ thể liên quan (như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) có trách nhiệm gì, từ đó đề xuất các giải pháp, các chủ thể phải làm gì thời gian tới.

Thủ tướng nhắc lại thông điệp: Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm. Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, có công ăn việc làm thì mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, có người mua nhà thì mới phát triển được bất động sản, khu đô thị.