Đường dành riêng cho xe đạp: Thử nghiệm đáng mong chờ với người Hà Nội

Ngọc Hải - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án thí điểm tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo sản phẩm phục vụ du lịch của thành phố.

Mở đường cho phương tiện xanh

Xe đạp là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe của con người và thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.

Người dân Thủ đô sử dụng xe đạp công cộng để di chuyển.
Người dân Thủ đô sử dụng xe đạp công cộng để di chuyển.

Với cam kết đưa Việt Nam mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Thủ đô cần đi đầu trong việc xanh hóa các loại hình giao thông, khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.

Đồng thời, với đặc trưng của Hà Nội, có nhiều ngõ nhỏ, hẹp nên điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách khối lớn còn nhiều bất cập, trở ngại. Chính vì vậy, xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất, góp một phần hạn chế xe máy, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phát thải ra môi trường. 

TS Phan Lê Bình - giảng viên Đại học Việt Nhật đánh giá: “Có xe đạp công cộng thì người dân cũng tăng thêm lựa chọn về phương tiện di chuyển của mình. Ví dụ như đi xe bus, tàu điện nhưng bến xe cách điểm mình cần đến khá xa thì có thể thuê xe đạp để đi tiếp”.

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, xe đạp công cộng còn tạo nên một sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô.

Mới đây, ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đạp xe trên các tuyến phố Hà Nội sau cuộc hội đàm tại trụ sở Chính phủ.

Trên hành trình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Thủ tướng Mark Rutte về cảnh đẹp và những công trình lịch sử của Thủ đô Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, cột cờ Hà Nội, bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…

Hình ảnh Thủ tướng 2 nước cùng đạp xe trên phố đã thu hút sự chú ý của mọi người và là một bước tiến cho quảng cáo cho hình ảnh của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đây, xe đạp công cộng sẽ tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch của thành phố.

Bạn Trần Linh Giang (18 tuổi, Nam Định) chia sẻ: “Mình chọn sử dụng xe đạp công cộng để tham quan, du lịch Hà Nội vì có thể làm chủ lộ trình mình muốn đến, giá cả thì phải chăng. Với người trẻ như mình thì việc sử dụng phương tiện giao thông bảo vệ môi trường cũng rất được ưu tiên”.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Thành phố chưa hình thành các tuyến đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp; các phương tiện xe đạp được tổ chức đi chung với các phương tiện giao thông cơ giới khác như ô tô, xe máy. 

Việc thiếu hạ tầng cho xe đạp phần nào hạn chế người dân sử dụng thường xuyên hơn loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển.

Thí điểm hai tuyến đường phố

Trên cơ sở khảo sát hạ tầng giao thông hiện trạng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng phương án thí điểm tổ chức làn đường cho xe đạp.

Theo phương án thí điểm, Sở GTVT sẽ tạo làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp, để xe lưu thông được an toàn, thuận lợi. Đồng thời, tuyến được lựa chọn thí điểm sẽ kết nối với các hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt, các trạm xe đạp công cộng.

 

Đại diện Sở GTVT cho biết: “Một trong những tiêu chí để lựa chọn tuyến thí điểm là mật độ giao thông vừa phải, không có hiện tượng thường xuyên ùn ứ giao thông; và tận dụng được các hạ tầng phân làn phương tiện đã có”.

 

Hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố mới chỉ có một số tuyến đường đã được tổ chức phân làn riêng cho xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi chung như đường Võ Chí Công, Hoàng Minh Thảo. Ngoài ra, đường Láng đã có làn đường dành riêng cho đi bộ.

Dựa trên hiện trạng, mật độ phương tiện cũng như tình hình kinh doanh dọc tuyến, Sở GTVT đã lựa chọn hai tuyến phù hợp để tổ chức thí điểm làn dành cho xe đạp.

Theo đó, tuyến thứ nhất dọc theo sông Tô Lịch (từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy), trên cơ sở đã có đường đi bộ ven sông Tô Lịch với chiều dài 2300m, rộng 4m. Tuyến có khả năng kết nối với ga Láng của đường sắt số 2A Cát Linh – Hà Đông và Ga số 8 của tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Cùng với đó, xây dựng làn đường dành cho xe đạp trên tuyến này sẽ tạo khả năng kết nối với các tuyến xe buýt của đường Láng thông qua 6 điểm dừng trên đường Láng.

Cũng theo thông tin của Sở GTVT, tuyến thí điểm số 2 đi trên hè xung quanh Công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo.

Qua khảo sát, hè xung quanh công viên Hòa Bình dài 1817m, rộng 7m, đủ điều kiện tổ chức làn ưu tiên xe đạp phục vụ cho hoạt động của công viên cũng như kết nối với các tuyến đường khác.

Đồng thời, đường Hoàng Minh Thảo đã có đường dành cho xe máy, xe đạp và không có hiện tượng ùn tắc. Từ Hoàng Minh Thảo, có khả năng mở rộng mạng lưới đường dành cho xe đạp thông qua các tuyến đang hình thành như đường Xuân Tảo, Minh Tảo,...

Với 2 tuyến đường thí điểm dành riêng cho xe đạp, đây sẽ là một thử nghiệm rất đáng mong đợi đối với người dân, hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.