Đường sắt, bài học từ kinh doanh vận tải Tết Nguyên Đán

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm kinh doanh vận tải đường sắt thua lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bước sang năm 2023 bằng chiến dịch vận tải Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được cho là khởi sắc cả về an toàn, chất lượng phục vụ và hiệu quả kinh doanh.

 Đường sắt đã vận chuyển 631.000 lượt hành khách trong dịp Tết 2023. Ảnh: TA.
Đường sắt đã vận chuyển 631.000 lượt hành khách trong dịp Tết 2023. Ảnh: TA.

Năm 2023, lãnh đạo VNR đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh với vận tải hàng không và đường bộ về vận tải khách; vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng do vận tải đường biển sau giai đoạn biến động cước tăng cao đã giảm trở lại mức cước cũ và cạnh tranh trực tiếp với đường sắt.

Trong thời gian gần đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn loay hoay “lội ngược dòng” bằng cách cố gắng khai thác vận tải hàng hóa tối đa và tìm giải pháp phục hồi vận tải hành khách. Năm nay, VNR phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính (tuy nhiên do phải bù đắp khoản lỗ dự kiến từ các khoản chi không phát sinh doanh thu nên sẽ vẫn lỗ 55 tỷ đồng).

Việc đường sắt không tận thu, biến giường tầng 1 thành 3 ghế ngồi mềm như trước đây được dư luận đánh giá cao. Ảnh: TA
Việc đường sắt không tận thu, biến giường tầng 1 thành 3 ghế ngồi mềm như trước đây được dư luận đánh giá cao. Ảnh: TA

Doanh thu chạy tàu Tết 391 tỷ đồng

Để phục vụ chạy tàu Tết, ngành đường sắt đã phải huy động 764 tổ, đội sản xuất với trên 6.000 lao động làm việc trong vòng 1 tháng, tổ chức chạy 10 đôi tàu khách Thống Nhất (469 chuyến) và 11 đôi tàu khách khu đoạn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Trong vòng 1 tháng, VNR đã vận chuyển 631.000 lượt hành khách, doanh thu đạt 391 tỷ đồng (Trong đó, công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội 169,5 tỷ, công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn  221,5 tỷ đồng). So với năm 2019, thời điểm chưa có dịch thì doanh thu bằng 78,8% nhưng số toa xe khách đưa ra vận dụng ít hơn (806 toa xe so với 933 toa xe).

Điều quan trọng là hệ số sử dụng chỗ 2 chiều đạt 72,3% cao hơn 10% so với trước đây, trong đó chiều Sài Gòn - Hà Nội trước Tết đạt 93%, chiều Hà Nội - Sài Gòn sau Tết đạt 86% là những con số lý tưởng trong nhiều năm gần đây. Về tỷ lệ trở ngại chạy tàu dọc đường cũng có những thay đổi tích cực, do chủ động công tác chỉnh bị sớm nên chất lượng đầu máy, toa xe vận dụng trong dịp Tết tương đối tốt, rất ít xảy ra sự cố gây chậm tàu như những năm trước.

Công tác truyền thông về bán vé tốt nên khách lựa chọn mua vé online ngày càng nhiều. Doanh thu bán vé qua web đạt 33%, qua các ứng dụng (Momo, Vnpay, Vietelpay) đạt 12%; bán tại các đại lý 8% và cửa vé của nhà ga đạt 47%. Chất lượng vệ sinh, phục vụ của nhân viên đi tàu cũng đã được cải thiện đáng kể. Trong suốt đợt vận tải Tết Nguyên đán không có phản ánh của hành khách về chất lượng phục vụ.

Việc sáng 31/01/202 tổ tàu SE1 (Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội) đã kịp thời cấp cứu một trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi trên bậc lên xuống và sau đó, lãnh đạo Tổng công ty, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cử đoàn vào thăm hỏi, tặng quà cháu bé được dư luận đánh giá cao. Ngoài ra, anh em công tác trên các đoàn tàu đã 5 lần phát hiện, chủ động báo cho hành khách quên tiền, tài sản trên tàu, trong đó có cả những đoàn khách nước ngoài được dư luận đánh giá cao.

Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội nhận được nhiều thư khen của hành khách đi tàu vì chất lượng phục vụ tốt. Ảnh TA
Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội nhận được nhiều thư khen của hành khách đi tàu vì chất lượng phục vụ tốt. Ảnh TA

Tư duy kinh doanh, mấu chốt vấn đề

Đề cập đến những kết quả đạt được trong chiến dịch vận tải Tết năm nay, Trưởng tàu SE3/4 Vũ Văn Thỏa (Đoàn Tiếp viên Phương Nam) cho biết: “ Năm nay, Tổng công ty không chuyển đổi chỗ giường tầng 1 khoang 4 thành 3 ghế mềm điều hòa và hạn chế bán ghế phụ khiến áp lực công việc của tổ tàu giảm đi nhiều, anh em có điều kiện phục vụ hành khách tốt hơn. Ngoài ra, việc Công ty CP Vận tải đường Sài Gòn đã chi trả hơn 11 tỷ đồng tiền chế độ cho người lao động đã phần nào động viên anh em đi tàu không được nghỉ Tết”.

Đã nhiều năm, để tận thu (khoảng 3 tỷ đồng) ngành đường sắt đã “chủ động” hạ chất lượng dịch vụ bằng cách bán thêm 15% ghế phụ và biến giường nằm thành ghế. Điều này “lợi bất cập hại” làm mất uy tín và thương hiệu đường sắt, nhiều hành khách sau Tết đã một đi không trở lại vì vệ sinh nhếch nhác, ăn uống trên tàu tạm bợ.

"Các bạn nên đi đường sắt nhiều hơn" ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books chia sẻ sau khi trải nghiệm thực tế. Ảnh do nhân vật cung cấp.
"Các bạn nên đi đường sắt nhiều hơn" ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books chia sẻ sau khi trải nghiệm thực tế. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường Hà Nội thừa nhận: “Hạn chế việc bán vé quá số chỗ cố định là một quyết định chính xác, trong kinh doanh không thể “tham bát, bỏ mâm” được. Cùng với việc quan tâm, động viên người lao động, chất lượng phục vụ trên tàu đã được nâng lên rõ rệt dù dịp Tết đã phải huy động nhiều nhân viên mới, từ mặt đất bổ sung đi tàu. Đường dây nóng của công ty chủ yếu chỉ tiếp nhận những phản ánh về tình trạng để quên đồ trên tàu, điều hòa nóng, lạnh chưa phù hợp, đổi trả vé...”.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books là hành khách đi tàu SE11 khi uống ly cafe trên tàu với giá 11 ngàn, ăn bát mì tôm thịt bò 40 ngàn đồng đã khá hài lòng: “Tôi đã đi tàu ở khắp nơi: Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc.. và ngành đường sắt Việt Nam chậm đổi mới nhưng nhìn chung vẫn đi được. Ga Hàng Cỏ còn có chỗ gửi đồ, mua vé khá nhanh và tiện lợi. Tôi cố gắng mỗi năm đi một hai chuyến bằng tàu thay cho máy bay, nhất là chặng ngắn và lâu lâu nên đi xuyên Việt xem khác biệt thế nào các bạn ạ”.

 

Vì hành khách

Để khôi phục lại lượng khách đi tàu như trước đây, VNR và 2 Công ty CP Vận tải đường Hà Nội, Công ty CP Vận tải đường Sài Gòn còn rất nhiều điều phải làm.

Trong đó, có một nguyên tắc bất di, bất dịch là trong mọi hoàn cảnh, phải lấy hành khách làm trung tâm, mọi thay đổi phải vì hành khách, xuất phát từ quyền lợi khách hàng.

Đến giờ, vẫn chưa có những phân tích sâu vì sao hành khách 2 chiều lại cân đối được như thế nhưng chắc chắn một điều khác nhiều hành khách trước Tết tận mắt chứng kiến tiện ích đi tàu, cùng với việc vé máy bay tăng đột biến, sau Tết đã quyết định đi tàu vào Nam.

Ngoài ra, việc khi nắm bắt được lượng khách giảm, đường sắt đã linh hoạt chủ động giảm giá vé 30-50% được đánh giá là một sự đổi mới trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh như hiện nay.

Thực ra, không phải mọi chuyển đều đã chuẩn chỉnh, đề cập với báo chí về vệ sinh trên tàu, vẫn có nhiều hành khách thắc mắc các khu đoạn Đà Nẵng – Diêu Trì và Nha Trang – Sài Gòn khá dài, trên tàu thường xuyên bị hết nước không hiểu sao đường sắt không bố trí cấp nước bổ sung các tại ga Bình Thuận và Quảng Ngãi. Trên các đoàn tàu Thống Nhất dịp Tết có rất nhiều đoàn kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện ra bất cập này.